Doanh nghiệp Việt không đóng góp nhiều vào chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT&TT (Bộ TT&TT), nêu ví dụ thất bại của hai doanh nghiệp sản xuất thiết bị smartphone tại Việt Nam.
Một doanh nghiệp vốn có thế mạnh về phần mềm chuyển sang sản xuất phần cứng, nhưng không thành công. Doanh nghiệp thứ hai có tiềm lực kinh tế mạnh, song sau 2 năm tham gia sản xuất điện thoại thông minh đã rút lui.
Trao đổi với các doanh nghiệp này, ông Nghĩa cho hay, doanh nghiệp rất tự tin cạnh tranh về sản phẩm với bất kỳ hãng smartphone nào tại Việt Nam, ví dụ Samsung, LG. Tuy vậy, do các hãng này đều sản xuất số lượng lớn phục vụ thị trường toàn cầu, nên doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh do quy mô thị trường trong nước còn nhỏ.
Phó Cục trưởng cho hay, hầu hết các hãng lớn đều xem thị trường toàn cầu là thị trường của họ, không chỉ gói gọn trong nước. Việt Nam chưa thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu ngay lúc đầu, song có thể tìm thị trường ngách để phát triển.
Đối với ngành công nghiệp thiết kế bán dẫn, Chính phủ có chính sách ưu đãi có thể xem là cao nhất trong các ngành công nghệ, nhưng vẫn chưa phát triển do thiếu chiến lược lâu dài.
Trước đó, Phó Cục trưởng dẫn số liệu cho thấy ngành công nghiệp công nghệ thông tin & truyền thông có tốc độ phát triển 7-9% trong 10 năm nay. Trong năm 2021, doanh thu ngành này đạt 150 tỷ USD. Tốc độ phát triển như vậy là tích cực, song Việt Nam không đóng góp nhiều trong chuỗi giá trị này.
Chẳng hạn, có hơn 90% phần mềm cá nhân trong nước thuộc các công ty nước ngoài, 60-70% phần mềm chuyên dụng cũng thuộc thương hiệu quốc tế. Sản phẩm phần cứng cá nhân, gần như 99% không thuộc doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh đó, những yếu tố vĩ mô tại Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn, dân số già hoá rất nhanh, các ưu thế về dân số và lao động phổ thông dồi dào sẽ không còn nữa.
Trong 5-10 năm tới, những yếu tố cạnh tranh hiện tại của thị trường trong nước để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sẽ không còn. Như vậy, Việt Nam cần tự chủ về nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành vi mạch bán dẫn.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cũng đưa ra quan điểm tương tự về việc tự chủ ngành vi mạch bán dẫn.
Chính phủ hiện có nhiều chính sách về tự chủ kinh tế, nhưng ông Thi cho rằng, không thể tự chủ kinh tế nếu không tự chủ công nghệ. Muốn vậy, cần phải tự chủ về vi mạch.
Việt Nam không thể tham gia toàn bộ hệ sinh thái này, song cần tham gia tích cực và nắm giữ vai trò quan trọng, nắm được cán cân đàm phán quyết định trong ngành.
Tại Khu công nghệ cao TP.HCM, nhà máy sản xuất chip của Intel đóng góp tới 70% sản lượng đóng gói chip toàn cầu của hãng này, cho thấy vai trò của nhà máy tại Việt Nam rất quan trọng. Song Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao cho rằng, năng lực nội sinh về vi mạch bán dẫn tại Việt Nam còn yếu, thiếu doanh nghiệp trong nước tham gia vào cả hệ sinh thái.
Thiếu chiến lược vĩ mô và nhân sự chất lượng cao
Đại diện Cục CN-CNTT&TT, ông Bùi Bài Cường - chuyên viên chính phụ trách mảng vi mạch bán dẫn - nêu một số cơ hội, thử thách, và các đề xuất để phát triển ngành này tại Việt Nam.
Ông Cường cho hay, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Singapore đều có chính sách tham gia sâu vào ngành vi mạch bán dẫn. Do đó Việt Nam cần có chính sách ở tầm vĩ mô tương tự để tạo cơ sở cho ngành phát triển.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư ở mảng vi mạch bán dẫn, song rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, hầu như không có doanh nghiệp Việt sản xuất chip.
Thị trường trong nước có nhiều lợi thế để phát triển ngành. Chẳng hạn, dân số Việt Nam đạt gần 100 triệu, quy mô đủ lớn. Chính phủ cũng có chính sách chuyển đổi số, tạo tiền đề cho nhiều ngành công nghệ phát triển. Bên cạnh đó, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng góp phần tạo hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa lý phù hợp, quan hệ đối tác tốt với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Xu hướng Mỹ bắt đầu xem trọng thị trường Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng cũng tạo cơ hội lớn cho Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng kỹ sư tiềm năng, có nguồn nguyên vật liệu sản xuất chip cũng có thể khai thác trong ngắn hạn.
Nhiều cơ hội nhưng nước ta cũng đối mặt nhiều thách thức. Trước tiên, Việt Nam thiếu một kế hoạch phát triển công nghiệp chip ở tầm quốc gia, dẫn đến thiếu sự hỗ trợ của chính phủ về một chiến lược bài bản.
Việc huy động và kết nối doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực này vẫn chưa hiệu quả.
Thị trường đang phụ thuộc 100% chip nước ngoài, do đó sẽ rất khó tự chủ trong quá trình chuyển đổi số trong tương lai.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh từ các nước trong khu vực.
Quan trọng nhất, lực lượng nhân sự chất lượng cao tại Việt Nam còn thấp. Đặc biệt thiếu những tổng công trình sư có khả năng dẫn dắt một quy trình trong ngành vi mạch bán dẫn.
Từ những thách thức trên, đại diện Cục CN-CNTT&TT đề xuất xây dựng một một ngành công nghiệp bán dẫn tự chủ, nhằm tự chủ về chuyển đổi số, đảm bảo an ninh quốc gia.
Tiếp đến, cần hợp tác song phương và đa phương vì xu hướng thế giới đang hình thành nhiều mối quan hệ tương tự. Cũng cần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tạo nền tảng cho nền công nghiệp.
Quan trọng hơn nữa, cần có chính sách phát triển nhân lực chất lượng cao, vì ngành này đòi hỏi rất lớn về trình độ chuyên môn. Trong đó, cần tập trung đào tạo, chú trọng khả năng trải nghiệm thực tế cho người học.
Tại hội thảo này, các doanh nghiệp nêu một số ý kiến đóng góp. Trong đó, do thiếu hệ sinh thái sản xuất, nên Việt Nam có thể chọn tham gia thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, sản phẩm sản xuất phải cực kỳ thực tế thì mới bán được cho thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn trong nước như Viettel, VNPT, FPT và CMC đều đã tham gia lĩnh vực chip, và chú trọng phát triển thị trường ngách, nhằm tránh đối mặt với các đối thủ lớn.
Hải Đăng