Người Việt rất hay xảy ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, trong khi nước ngoài lại hay mâu thuẫn con rể - mẹ vợ. Do đâu lại vậy?

Đòi về quê vì “ngứa mắt” với con dâu

Hai vợ chồng anh Hoàng Văn Huy (Hà Nội) vừa về nhà mới liền về quê đón mẹ lên ở cùng. Thế nhưng chỉ ở được một tuần bà Nguyễn Như bắt đầu thấy buồn bực vì con dâu bà đi ra ngoài thì thôi chứ về nhà là đóng cửa phòng ngồi máy vi tính hoặc “nấu cháo” điện thoại… Nguyên nhân do vợ anh Huy mới được bổ nhiệm làm giám đốc một công ty ngành xây dựng, công việc dồn nén nên phải làm việc căng thẳng…

Song bà Như lại nghĩ con dâu lười nên xa rời chuyện bếp núc. Bà càng thấy ngứa mắt hơn khi con trai mình bị vợ “xỏ mũi”, học hành cao nhưng phải làm “đầy tớ” vợ... do anh hay giúp việc nội trợ cho vợ. Chồng chị thông cảm công việc của vợ nhưng bà mẹ chồng thì không, chủ yếu vì bà không thể nào hiểu nổi tham vọng của một phụ nữ như chị. Cứ mỗi lần gọi điện về quê thăm hỏi bà con, bà lại kể lể về cô con dâu “hiện đại” của mình. Vì thế mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu ngày càng căng thẳng, thậm chí bà gây sức ép bắt anh Huy phải làm đơn ly dị.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chị Nguyễn Thị Hương (Từ Liêm, Hà Nội) cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Vợ chồng chị đều từ quê ra Hà Nội lập nghiệp. Khi sinh con, bà nội xuống giúp chị chăm cháu. Dù mẹ chồng nàng dâu có nhiều điều va chạm nhưng chị đều nhẫn nhịn và tìm cách lấy lòng mẹ chồng vì dẫu sao nhờ có bà giúp mình mới yên tâm đi làm. Thế nhưng chị lo lắng khi thấy bà suốt ngày cho cháu xem TV, ít khi đưa bé ra khỏi nhà, khiến cô bé rất nhút nhát…

Khi bé được 2 tuổi, chị muốn cho con đi lớp để có cơ hội tiếp xúc hơn với bên ngoài nhưng bà phản đối quyết liệt. Bà cho rằng chỉ những nhà nào không có người trông cháu mới phải đưa trẻ đi gửi, như vậy là “đày đọa con bé” và khinh bà không biết dạy cháu… Cuối cùng bà đòi về quê và mang theo cháu. Khi chị kiên quyết muốn giữ bé lại vì cho rằng con cần được ở gần bố mẹ thì bà giận dỗi từ mặt vợ chồng. Hai vợ chồng vì thế cũng chiến tranh lạnh mất tuần trời.

Đâu là rào cản

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Thu Hiền ( Tổng đài tư vấn 19006844) cho rằng, ở nước ngoài mâu thuẫn thường thấy là mẹ vợ con rể, còn người Việt Nam hay có mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu do họ coi con rể và con dâu như người trong nhà nên thường đòi hỏi cao hơn, “nhập gia tùy tục” phải sống theo nề nếp của gia đình.

Ở nước ngoài, người mẹ vợ nghĩ rằng khi con gái lấy chồng, người chồng đã “lấy đi” tình cảm của con gái nên đòi hỏi rất cao ở người con rể. Người con rể phải là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho con gái của họ. Khi người con rể không làm tròn bổn phận thì họ khó chịu, tất yếu nảy sinh mâu thuẫn.

Ngay nước ta cũng không ít trường hợp cũng nảy sinh mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa mẹ vợ - con rể. Nhưng nhìn chung nổi cộm hơn cả vẫn là mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là do nhận thức về giới. Người Việt cho rằng phụ nữ dù làm gì thì quan trọng nhất vẫn là gia đình. Hơn nữa xuất phát từ sự tranh chấp tình cảm của người con trai. Cả 2 người là mẹ chồng, nàng dâu đều muốn sở hữu người đàn ông đó nên ai cũng có tâm lý ích kỷ.

Đã là tình yêu ắt sẽ có ghen tuông. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới những xung đột gay gắt giữa mẹ chồng và nàng dâu. Có những người mẹ rất hiền từ nhưng khi có con dâu thì trở nên đáo để, xét nét, bắt lỗi con dâu đủ điều. Đó không phải là bản tính quá quắt của các bà mẹ chồng hay “khác máu tanh lòng” mà xuất phát từ sự ghen tuông. Tâm lý của người mẹ chồng khi có con dâu thường tìm cách bới móc con dâu vì thấy con trai yêu vợ hơn mình. Với tư tưởng con dâu cướp tình yêu thương, sự quan tâm mà vốn dĩ trước đây con trai luôn dành cho mẹ.

Để giữa mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu khi sống chung mà không có nhiều mâu thuẫn, theo các chuyên gia tâm lý, là cả một nghệ thuật. Ai cũng phải học cách tôn trọng, nhường nhịn, và quan tâm đến nhau. Người chồng sẽ là nhân tố vô cùng quan trọng khiến mối quan hệ giữa hai người này tồi tệ hay gắn kết, vui vẻ. Một người chồng lấy vợ về, chỉ quan tâm đến vợ, bơ mẹ đi thì mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu ắt sẽ xảy ra.

Nàng dâu nên hỏi qua ý kiến của chồng, của bố mẹ chồng khi làm việc lớn nào đó. Sau đó, nếu không nhận được sự đồng ý, nàng dâu nên nhẹ nhàng giải thích, tìm dẫn chứng thích hợp để vừa có thể bảo vệ được quan điểm của mình mà lại khiến chồng, khiến bố mẹ chồng tôn trọng. Ngược lại, ngoài sự cố gắng của các nàng dâu thì mẹ chồng, bố chồng cũng cần phải “hiện đại hóa”, thay đổi để dung hòa cuộc sống chung. Bởi một mối quan hệ sẽ không thể tốt đẹp nếu như chỉ một phía cố gắng.

Ngoài mâu thuẫn xuất phát từ ý ăn ý ở, trong quá trình sống chung với mẹ chồng, các nàng dâu thường mâu thuẫn với nhau về cách chăm sóc, dạy dỗ con cái. Do đó, nếu không có nghệ thuật thuyết phục mà cứ làm theo ý mình và phê phán cách làm của mẹ chồng thì từ những mâu thuẫn nhỏ sẽ dẫn đến những mâu thuẫn lớn, thậm chí lớn đến mức không thể giải quyết.

Cách tốt nhất là nên sống riêng để giảm bớt những mâu thuẫn có thể gặp phải trong quá trình chung sống. Còn nếu không thể sống riêng và hoàn cảnh bắt buộc phải sống chung thì mỗi người đều phải bớt đi tính ích kỷ, cái tôi cá nhân và quan tâm lẫn nhau.

(Theo Báo Gia đình & Xã hội)