Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) - được khai thác từ các mỏ dầu tại Mỹ - thường có giá thấp hơn dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu. Nhưng sáng nay, giá tương lai của cả 2 loại dầu này đều ở mức khoảng 115 USD/thùng.
Tính đến 13h ngày 18/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mức 113,840 USD/thùng, tăng 1,25% so với 24 giờ trước đó. Còn giá dầu Brent chỉ khoảng 112,84 USD/thùng. Như vậy, giá dầu WTI đã tăng cao hơn giá dầu Brent.
Giới quan sát nhận định đây là dấu hiệu cho thấy thị trường dầu đã bị xáo trộn bởi đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế giải thích giá dầu thế giới tăng cao nhờ những thông tin tích cực về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu vẫn chưa trở lại mạnh mẽ vì một số lực cản.
Giá dầu WTI tăng mạnh trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics. |
Thị trường xáo trộn
Giá dầu đã tăng vọt trong tuần qua. Cả giá dầu WTI và giá dầu Brent đều giao dịch ở gần mức cao nhất trong vòng 2 tháng. Theo AAA, hôm 17/5, giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ vừa chạm ngưỡng kỷ lục mới 4,52 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,78 lít).
"Giá dầu tăng vọt do cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc dường như đã đi đúng hướng", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại The Americas OANDA (có trụ sở ở Mỹ) - nói với Zing.
Cụ thể, Trung Quốc phát đi tín hiệu sẽ giảm bớt một số hạn chế về di chuyển trong những tuần tới. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu sau một thời gian sụt giảm.
Hôm 16/5, các quan chức Thượng Hải công bố kế hoạch 3 giai đoạn để "trở lại trạng thái bình thường mới" vào giữa tháng 6. Một ngày sau đó, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải tuyên bố toàn bộ 16 quận của Thượng Hải đã đạt mục tiêu không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Trung Quốc là nhà tiêu thụ dầu lớn trên toàn cầu. Các lệnh phong tỏa gắt gao của Trung Quốc nhằm chống dịch đã tạo sức ép lớn lên giá dầu, bởi nhu cầu dầu đối với hoạt động đi lại, vận chuyển và sản xuất ở Trung Quốc lao dốc mạnh.
Theo nhà phân tích Janiv Shah tại Rystad Energy, nhu cầu hàng không tại Trung Quốc cũng đã tăng trở lại. Nhưng điểm bất thường nằm ở chỗ giá dầu Mỹ tăng vượt giá dầu Brent.
Giá dầu WTI đã không còn rẻ hơn giá dầu Brent. Nguyên nhân là thị trường dầu đã bị xáo trộn bởi đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: CNN. |
Theo ông Shah, nguyên nhân là châu Âu đã chuyển hướng khỏi nguồn cung dầu Urals của Nga. Việc này khiến các nước đổ xô tìm nguồn cung thay thế. "Chúng tôi nhận thấy dầu thô Nga trong hệ thống lọc dầu châu Âu đang giảm đi. Còn những loại dầu còn lại thì tăng lên", vị chuyên gia tại Rystad Energy nhận định.
Cùng lúc đó, các hãng lọc dầu Mỹ đang cố đẩy mạnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu. Điều này đã đẩy giá WTI lên cao.
Như vậy, các nhà buôn dầu ở phương Tây hiện có ít lựa chọn hơn so với trước đây. Họ lo ngại vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow và những rắc rối về hậu cần trên Biển Đen.
Do đó, các nhà buôn dầu mua bất cứ loại dầu nào mà họ có thể mua, từ đó làm đảo lộn thị trường.
Nỗ lực ổn định giá
Giới quan sát tin rằng thị trường dầu toàn cầu sẽ vẫn bị xáo trộn trong thời gian tới. Hôm 16/5, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết ngay cả khi các quốc gia có thể tăng sản lượng, những nhà máy lọc dầu cũng không thể theo kịp.
"Công suất lọc dầu hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại và cả nhu cầu dự báo trong mùa hè", ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Moya tại Oanda, giá dầu vẫn chưa trở lại đà tăng mạnh mẽ. Một phần nguyên nhân là các quan chức Mỹ phát đi tín hiệu rằng chiến lược hạn chế doanh thu từ dầu thô của Nga có thể chuyển từ cấm vận sang thuế quan.
Cụ thể, theo chia sẻ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 17/5, Liên minh châu Âu (EU) có thể kết hợp đánh thuế nhập khẩu với dầu mỏ Nga cùng với lệnh cấm vận theo giai đoạn mà khối đang nỗ lực triển khai.
Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết vấn đề đánh thuế dầu Nga sẽ được nêu tại cuộc họp của những lãnh đạo tài chính G7 trong tuần này.
Biện pháp đánh thuế dầu nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường toàn cầu, hạn chế đà tăng giá đột biến, gây ít tổn thất kinh tế nhưng vẫn làm giảm doanh thu của Nga từ dầu mỏ.
"Nếu phương Tây quyết định áp thuế đối với dầu Nga thay vì cấm vận, nguồn cung trên thị trường sẽ được đảm bảo, từ đó giúp ổn định giá dầu", ông Moya nhận định.
(Theo Zing)