Người dân địa phương bày tỏ thương tiếc trước các nạn nhân của vụ xả súng tại New Zealand. Ảnh: Getty Images |
Sau khi nghi phạm trong vụ xả súng tại New Zealand dùng Facebook để livestream cảnh tấn công, video nhanh chóng được chia sẻ trên YouTube. Các quản trị viên của nền tảng đã cố gắng để gỡ bỏ các video đăng lại (re-up) song các video mới vẫn xuất hiện. Nó khiến giới quan sát phải băn khoăn: nếu YouTube đã có công cụ tự động phát hiện nội dung vi phạm bản quyền, vì sao công ty không thể tự động nhận diện video này và xóa nó?
Theo The Verge, các video re-up sao y bản gốc đều bị YouTube cấm nhưng video chứa một cảnh diễn ra trong thực tế lại phải gửi đến cho quản trị viên để đánh giá. Lý do là nhằm đảm bảo các video tin tức có sử dụng một phần của đoạn quay không bị xóa nhầm.
Nguồn tin thân cận cho hay nhóm an toàn của YouTube cho rằng đây là quy định công bằng. Với các sự kiện tin tức lớn như vụ xả súng tại New Zealand, nhóm của YouTube sử dụng hệ thống tương tự với công cụ bản quyền Content ID nhưng không giống hoàn toàn. Công cụ tìm kiếm các video re-up của video gốc để đối chiếu metadata và hình ảnh. Nếu đó là bản re-up chưa được chỉnh sửa, nó sẽ bị gỡ bỏ. Nếu đã được chỉnh sửa, công cụ đánh dấu (flag) để quản trị viên đánh giá. Quản trị viên bao gồm nhân viên toàn thời gian tại YouTube lẫn nhân viên hợp đồng. Họ có trách nhiệm xác định video có vi phạm chính sách của công ty hay không.
Ngoài ra, YouTube còn có hệ thống để ngay lập tức gỡ nội dung khủng bố, khiêu dâm trẻ em nhưng không thể áp dụng cho trường hợp xả súng ở New Zealand do nó có thể có giá trị tin tức. YouTube xem việc xóa bỏ các video có giá trị tin tức là gây hại. YouTube cấm các đoạn phim “gây sốc hay khiến khán giả ghê tởm”, bao gồm hậu quả của một tụ tấn công. Song, nếu nó được dùng cho mục đích đưa tin, YouTube nói không cấm đoạn phim mà chỉ giới hạn độ tuổi để bảo vệ khán giả trẻ tuổi.
Một vấn đề khác đó là hệ thống Content ID của YouTube không được phát triển để xử lý các sự kiện giật gân (breaking news). Rasty Turek, CEO của nền tảng phân tích video Pex, cho biết vấn đề nằm ở cách triển khai một sản phẩm. Turek, người đã nghiên cứu kỹ lưỡng về phần mềm Content ID của YouTube, chỉ ra thực tế rằng mất 30 giây để phần mềm xác định một video là video re-up trước khi gửi cho quản trị viên xem xét. Ông nhận định ngay cả khi CEO YouTube Susan Wojcicki yêu cầu bổ sung tính năng mới cho hệ thống, vẫn mất vài tháng để hoàn thiện.
Theo Turek, công cụ Content ID của YouTube mất “vài phút hay đôi khi là vài tiếng để đăng ký nội dung”. Đây không phải vấn đề với nội dung bản quyền nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ khi áp dụng cho các tình huống khẩn cấp. Nếu nội dung bản quyền hay tương tự bị lan truyền, nó không gây hại cho cộng đồng nếu không được gỡ bỏ ngay lập tức. Song, với các vụ như xả súng tại New Zealand, nó hoàn toàn ngược lại. Do đó, áp lực phải triển khai hệ thống xác định video re-up bạo lực đang lớn hơn bao giờ hết.
Rào cản lớn tiếp theo mà cả YouTube và Turek đều đồng tình đó là theo kịp các video phát trực tiếp khi chúng diễn ra. Đây là điều gần như không thể do nội dung trong livestream liên tục thay đổi. Đây là lý do vì sao livestream được xem là khu vực rủi ro cao đối với YouTube. Những người vi phạm quy định khi livestream có thể mất quyền livestream bởi đây là vùng mà YouTube không thể kiểm soát triệt để. YouTube thừa nhận dù đã nỗ lực, nó rất khó khăn. Turek cho rằng “bạn có thể đổ lỗi cho YouTube vì nhiều thứ nhưng không ai trên hành tinh có thể điều chỉnh livestream ngay lúc này”.
Hiện tại, YouTube đang tập trung vào việc kết hợp mọi video dường như có tương đồng về metadata và hình ảnh trong livestream gốc của kẻ xả súng, sau đó xác định video nào có giá trị tin tức và video nào vi phạm quy định. Nó là tất cả những gì YouTube có thể làm được nhưng đối với những nhà phê bình như Turek, chừng ấy là chưa đủ. Ông cho rằng giai cấp lãnh đạo công ty nên xem đây là vấn đề ưu tiên. Một khi họ xem nó là ưu tiên và cung cấp đủ nguồn lực cho nhóm, nhóm có thể giải quyết được nó.