Từ năm 2012 tới nay, vợ chồng chị Lê Thị Tuyết Vân (quê Long An, hiện đang sinh sống ở Frankfurt, Đức) đã cùng nhau đi tới 17 quốc gia châu Á, châu Âu khác nhau. Với kinh nghiệm du lịch dày dặn, anh Dinh Chi Tomas trở thành lái xe, lái tàu, hướng dẫn viên kiêm thợ ảnh/quay phim cho vợ. 

“Anh Mười (cách chị Vân gọi thân mật với chồng) từng du lịch khắp nơi trên thế giới nên rất hiểu biết, nhiều kinh nghiệm. Anh thường chọn những nơi đẹp nhất, ấn tượng nhất để đưa tôi tới khám phá”, chị Vân tự hào chia sẻ.

Cùng chồng đi du lịch đã nhiều nơi nhưng có "một tính xấu" mà chị Vân không thể thay đổi được, đó là việc lúc nào cũng "tay xách nách mang" nào gạo, mắm, tiêu, ớt, thậm chí cả cá khô, cá kho. "Tôi không ăn được món ăn châu Âu dài ngày nên chuyến nào đi lâu cũng sẽ mang theo đồ ăn Việt. Anh Mười hay than thở, nhìn tôi đi du lịch mà cứ như đi tị nạn", chị Vân hài hước chia sẻ.

Một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất với chị Vân đó là hành trình lênh đênh trên vùng biển nước Ý bằng thuyền buồm tự lái. Từ nỗi sợ say sóng, lo sự cố ban đầu, sau chuyến đi, chị Vân lại "nghiện" tàu thuyền giống ông xã người Đức gốc Việt.

{keywords}

Chị Vân trong chuyến hành trình 7 ngày trên biển Địa Trung Hải

Tháng 9/2020, sau thời gian dài được ông xã “dụ dỗ”, chị Vân đồng ý tham gia chuyến hành trình lênh đênh trên biển kéo dài 7 ngày để thay đổi không khí, trốn khỏi những mỏi mệt, bí bách của chuỗi ngày cách ly xã hội.

Anh Dinh Chi Tomas rất mê tìm hiểu tàu thuyền và du lịch biển. Từ những năm 2000, anh Dinh Chi đã tham gia học và được cấp chứng chỉ, bằng lái tàu sông, tàu biển chuyên nghiệp.

"Anh Mười có một nhóm bạn thân, đồng nghiệp mê tàu thuyền. Cả nhóm đã đặt lịch thuê chiếc thuyền buồm này từ cuối năm 2019. Ban đầu, chuyến đi dự định khởi hành vào tháng 4/2020 nhưng vì dịch bệnh nên trì hoãn tới tháng 9", chị Vân cho biết. Tuy nhiên đến thời điểm tháng 9, nhiều thành viên trong nhóm vẫn ái ngại dịch Covid-19 nên "bỏ cuộc chơi".

“Thấy mọi người bỏ cuộc, tôi cũng lo lắng lắm, khuyên chồng hãy hoãn lại, để lúc khác đi. Nhưng chồng động viên, trấn an tôi. Thêm vào đó, chi phí đặt cọc chiếc thuyền không hề rẻ, nếu bỏ lỡ thì rất tiếc. Cuối cùng, đoàn lên đường với 4 thành viên, trong đó anh Mười là trưởng đoàn kiêm lái thuyền”, chị nói thêm.

Để bắt đầu chuyến đi, vợ chồng chị Vân bay máy bay từ Đức sang Sardinia, Ý trước 2 ngày. Hòn đảo này cách thủ đô Rome khoảng 330km và là đảo lớn thứ hai ở Địa Trung Hải, thường được du khách gọi là "Caribbean của châu Âu". Sau thời gian dài phải ở nhà vì dịch Covid-19, trong khi chờ 2 người bạn bay sang, vợ chồng chị Vân tranh thủ thời gian đi khám phá đảo.

"Nước biển ở đây trong vắt, nhìn rõ đáy. Đây là thời điểm người Ý bắt đầu du lịch nội địa trở lại nên không khí khá sôi động", chị Vân chia sẻ.

{keywords}

Vùng biển tại Sardinia, Ý trong vắt, là địa điểm yêu thích của người Ý

Ngày hôm sau, anh chị dành một ngày để đến làm thủ tục thuê thuyền, khai thông tin lịch trình, số lượng thành viên, đặt cọc bảo hiểm tàu thuyền... "Ở đây có quy định rất chặt chẽ về việc lái tàu thuyền nên phải có đủ bằng cấp, chúng tôi mới có thể thuê chúng và tự lái", chị Vân cho biết.

Hoàn thành thủ tục, vợ chồng chị Vân đi “càn quét” siêu thị để chuẩn bị thực phẩm, nước uống, đồ dùng cho 7 ngày tới. Chị Vân không quên mua bịch gạo ngon, nước mắm, hạt tiêu, rau xanh và cà chua để nấu món Việt... "Chuyến đi nào tôi cũng mang riêng một bộ đồ muỗng - đũa, thêm ít cá khô, cá kho sẵn để ăn với cơm", chị Vân kể.

{keywords}

Chị Vân mua rất nhiều thực phẩm và sắp xếp gọn gàng trong căn bếp của thuyền

{keywords}

Tại thuyền có phòng ăn, bếp, phòng ngủ tiện nghi

Sau khi 2 người bạn từ Đức bay qua, đoàn bắt đầu hành trình lênh đênh trên biển bằng chuyến thuyền buồm dài 18m, rộng 5m. Hai người bạn này đã đồng hành cùng anh Dinh Chi trong nhiều chuyến đi nên rất thân quen, dễ dàng phối hợp cùng anh lái thuyền, vận hành máy móc, căng buồm...

{keywords}

"Ngày đầu tiên thời tiết khá thuận lợi nhưng chúng tôi lại gặp chút sự cố khi căng buồm. Những người thuê trước có lẽ đã làm chiếc buồm trục trặc nên khi căng ra, cánh buồm không theo ý đồ, quật mạnh, rất nguy hiểm. Thật may người bạn anh Mười có kinh nghiệm nên cúi người né kịp. Tôi sợ thót tim", chị Vân chia sẻ.

Khi đi du lịch bằng thuyền buồm tự lái, theo chị Vân, rất nhiều sự cố có thể xảy ra. Có nhiều lúc đang sóng yên biển lặng thì trời nổi gió lớn, con thuyền nghiêng ngả, chao đảo, tròng trành, sóng đánh vào mạn thuyền ầm ầm.

"Có đêm gió lớn lắm, ngồi trong phòng ngủ nhìn ra mà tôi thót tim. Anh Mười lúc đó vẫn bình tĩnh trấn an tôi "Không sao đâu! Có sự cố gì gọi cứu hộ là được mà"", chị Vân kể. "Nhưng khi về tới nhà rồi, anh mới nói thật, nếu gặp sự cố giữa biển Địa Trung Hải như vậy thì khó lòng cứu hộ kịp", chị Vân than thở.

{keywords}

Con thuyền tròng trành trên biển

Tuy phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm nhưng đi du lịch trên biển bằng tàu thuyền tự lái lại mang tới những trải nghiệm đặc biệt, "có một không hai" cho vợ chồng chị Vân - điều mà những chuyến đi theo tour khó có được.

Anh Dinh Chi thường chọn những bãi biển đẹp để đậu thuyền. Tại đây, cả đoàn có thể thoải mái bơi, lặn, chiêm ngưỡng hệ sinh thái đa dạng. Tại các ghềnh đá, vợ chồng anh chị có thể làm mồi để câu cá, lội cát bắt sò, hàu rồi chế biến.

{keywords}

Hàng ngàn con cá tại vùng biển chị Vân đi qua

{keywords}

Trên hành trình, đoàn cập vào những bến cảng khác nhau để khám phá chợ dân sinh, ngắm phố cổ, mua đồ trang sức lưu niệm hoặc sắm thêm thực phẩm, đồ dùng.

Những khi tàu cập bến cảng cũng là lúc anh Dinh Chi dẫn bạn bè lên bờ thưởng thức ẩm thực địa phương, dành lại "không gian riêng cho vợ".

"Khi anh Mười và các bạn đi ăn, tôi bắt đầu bày biện căn bếp để nấu đồ Việt nào cơm, nào cá kho, cá rim nước mắm. Đi đâu thì món Việt tôi vẫn thấy ngon nhất", chị Vân kể. Những người bạn thân thiết của gia đình anh chị cũng đã quen với hình ảnh "ăn riêng" của chị Vân. "Mỗi quốc gia có ẩm thực khác nhau nên mọi người tôn trọng món ăn Việt, tôi cũng tôn trọng món ăn quốc gia họ", chị chia sẻ.

{keywords}

Chị Vân tự nấu và thưởng thức món ăn Việt ngay trên biển

Trong ngày cuối lênh đênh trên biển, đoàn của chị Vân còn vô tình bắt gặp siêu du thuyền Dilbar của tỷ phú người Nga Alisher Usmanov. Dilbar lớn tới mức có 2 sân đáp trực thăng ở trên boong tàu.

{keywords}

Dilbar được hạ thủy vào năm 2016, nặng 15,917 tấn với chiều dài 156 mét, có đủ không gian cho bất kỳ hoạt động giải trí nào mà vị tỷ phú người Nga yêu thích

Sau chuyến lênh đênh trên biển cùng ông xã, chị Vân dần cảm thấy yêu thích hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị này. Năm 2021, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số kế hoạch du lịch của cặp đôi phải tạm hoãn.

"Năm qua, vợ chồng tôi chủ yếu du lịch một vài địa điểm hoang sơ tại Đức. Hàng ngày, tôi dành thời gian biên tập lại video những chuyến đi trước đây để đăng Youtube, vừa làm kỉ niệm, vừa chia sẻ thông tin với mọi người, đồng thời giúp bản thân sống tích cực, vui vẻ hơn", chị Vân chia sẻ.

{keywords}

Chị Vân, anh Dinh Chi (phía bên trái) cùng người bạn trong chuyến hành trình trên biển

{keywords}

Ngay khi các quốc gia châu Âu nới lỏng quy định nhập cảnh, vợ chồng anh chị ghé Tây Ban Nha "tắm nắng" vào tháng 7/2021

{keywords}

Chị Vân trong chuyến du lịch Floren, Đức vào tháng 11/2021

{keywords}

Chị Vân trải nghiệm vườn trái cây tại Tây Ban Nha

{keywords}

Những thời điểm không thể đi du lịch, khu vườn nhà trở thành không gian "du lịch tại gia" lý tưởng của hai vợ chồng

 Linh Trang (Ảnh: NVCC)