Theo The Guardian, cư dân ở Cairns cho biết đã nhìn thấy quả cầu lửa ngày càng lớn khi nó hướng về Trái đất chỉ sau 9h22 tối ngày 20/5. Camera chuông cửa, điện thoại di động và camera hành trình đều ghi được khoảnh khắc thiên thạch tiến gần, tạo ra ánh sáng rực rỡ màu lục lam trên bầu trời tối. 

Cảnh quay từ sân bay Cairn cho thấy, sao băng đang lao xuống rồi biến mất trong ánh sáng màu vàng cam. Hiện không rõ thiên thạch này rơi xuống chỗ nào nhưng cư dân thị trấn Croydon, cách Cairn khoảng 500km về phía tây, cho biết, họ cảm nhận được một vụ nổ và nghe thấy một tiếng nổ rất lớn. 

Nhà vật lý thiên văn, giáo sư Đại học Queensland Tamaras Davis nói với tờ Brisbane Times rằng đó có thể là một thiên thạch bất thường - có nghĩa là các chuyên gia không dự đoán được nó. "Chắc chắn nó giống một thiên thạch. Các thiên thạch thường lao xuống bầu trời của chúng ta, nhưng đó có vẻ là thiên thạch đặc biệt lớn vì nó rất sáng. 

Có một số báo cáo về việc mọi người nghe thấy tiếng nổ siêu thanh. Đó là những gì bạn nghe thấy khi một thiên thạch đi qua bầu khí quyển, nó lao nhanh hơn tốc độ âm thanh. Khi di chuyển chậm lại, chúng tạo ra tiếng nổ siêu thanh". 

Sao băng là một tiểu hành tinh hay vật thể nào đó bốc cháy và bay hơi trên đường đi vào khí quyển của Trái đất; người ta thường gọi chúng là “sao rơi”. Nếu một sao băng không cháy hết lúc xuyên qua khí quyển Trái đất và rơi xuống tới đất, thì nó được gọi là thiên thạch.