- Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi gây ra những cảm giác vô cùng khó chịu cho người bệnh. Đáng nói là, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang dị ứng phế quản, hen phế quản...


Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Dị ứng là phản ứng của cơ thể chống lại kháng nguyên lạ gây dị ứng. Viêm mũi dị ứng do các hiện tượng dị ứng (nhất là người có cơ địa dị ứng) gây ra. Khi cơ thể bị kháng nguyên lạ tấn công sẽ sinh ra kháng thể để chống lại. Những lần sau, khi kháng nguyên tấn công sẽ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của kháng thể dẫn đến những rối loạn dị ứng.

Viêm mũi dị ứng chỉ là biểu hiện tại chỗ của bệnh dị ứng. Một số dị nguyên có khả năng gây nên viêm mũi dị ứng như: bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông (chó, mèo, gia cầm), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt...), khói (khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy), một số thực phẩm (tôm, cua, ốc...), một số dược phẩm (aspirin, kháng sinh) hoặc do thời tiết (lạnh, nóng đột ngột, ẩm ướt).

Một số trường hợp do niêm mạc họng bị kích thích gây ra viêm kèm theo nhiễm khuẩn. Các vi khuẩn gây bệnh cơ hội hay gặp là S. pneumoniae, H. influenzae, cầu khuẩn (tụ cầu, liên cầu).

{keywords}


Đây là những loại khá phổ biến ở nước ta có vai trò như một kháng nguyên không hoàn toàn khi gặp kháng thể của cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng dị ứng. Loại dị ứng này tạo ra lớp nhầy niêm mạc của hệ thống hô hấp như mũi, họng, xoang... gây hiện tượng ngứa, hắt hơi. Hắt hơi là phản xạ nhanh của cơ thể nhằm tống vật lạ ra khỏi niêm mạc. 

Đặc điểm của viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được chia làm hai loại là viêm mũi dị ứng có chu kỳ và viêm mũi dị ứng không có chu kỳ.

Loại viêm mũi dị ứng có chu kỳ thường xảy ra vào đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng. Người bệnh hắt hơi liên tục, ngứa mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt... Sau đó là hiện tượng chảy nước mũi trong, cảm giác bỏng rát ở cổ họng.

Các đặc điểm trên rõ nét nhất vào buổi sáng sớm lúc mới ngủ dậy, dịu dần và đến tối thì dịu hẳn. Nó kéo dài khoảng vài ba ngày đến hàng tuần nếu không được điều trị.

Bệnh viêm mũi dị ứng không có chu kỳ có triệu chứng giống như loại có chu kỳ nhưng khác ở chỗ bệnh không xuất hiện theo mùa, không phụ thuộc vào thời tiết, chỉ hắt hơi vài cái nhưng nghẹt mũi tăng dần và kéo dài hơn giữa 2 cơn.

Triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng đã thành bệnh mãn tính thì có thể bị nghẹt mũi thường xuyên, nhức đầu, ù tai... Các triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm xoang. Không ít trường hợp bị loạn khứu giác (mất mùi) khi bị bệnh viêm mũi dị ứng lâu ngày hoặc hiện tượng ngáy khi ngủ. 

Bệnh viêm mũi dị ứng không gây nguy hiểm đến tính mạng, không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng lại gây khá nhiều phiền toái cho sức khỏe của người bệnh. Viêm mũi dị ứng rất dễ dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn do bệnh nhân bị nghẹt mũi nên phải thở bằng miệng.

Phòng và điều trị viêm mũi dị ứng

Những người có cơ địa dị ứng cần cảnh giác với bệnh viêm mũi dị ứng, không nên nuôi chó, mèo hoặc hạn chế tiếp xúc với chó mèo trong nhà. 

Cần vệ sinh chăn, gối, đệm định kỳ, tránh để các ký sinh trùng có cơ hội sinh sống và phát triển. 

Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày, không hút thuốc, không sử dụng các loại thực phẩm bị dị ứng. Khi dọn vệ sinh, cần đeo khẩu trang, thời tiết lạnh cần giữ ấm cho cơ thể

Nếu bị bệnh viêm mũi dị ứng cần đến gặp bác sĩ để khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh phát triển thành viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn...

Nguyễn Quốc Khánh