- Ngày 20/1, phiên tòa xét xử "đại án" Huyền Như tiếp tục diễn ra với phần đối đáp
giữa đại diện VKSND TP.HCM với quan điểm của các luật sư tham gia bào chữa cho
các bị cáo, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nguyên đơn dân sự,
bị hại trong vụ án.
"Huyền Như không phạm tội tham ô"
Về phần trách nhiệm hình sự trong vụ án, VKS khẳng định việc truy tố các bị cáo
với các tội danh như bản cáo trạng xác định là đúng người, đúng tội, đúng pháp
luật.
Đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, cáo trạng truy tố bị cáo Như về hai tội "lừa
đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" là
hoàn chính xác.
Ảnh: Bị cáo Huyền Như tại phiên Tòa (Ảnh: Lao động) |
Bởi lẽ, ngay từ khi nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản, Như đã dùng các thủ đoạn
gian dối làm giả con dấu, giả chữ ký của các tổ chức, cá nhân để thực hiện mục
đích.
Hành vi trên của bị cáo lặp đi lặp lại nhiều lần do đó không có cơ sở chấp nhận
quan điểm của luật sư cho rằng, bị cáo không “lừa đảo” mà chỉ có ý định chiếm
dụng vốn cũng như việc cho rằng bị cáo chỉ phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm
đoạt tài sản”.
Bên cạnh đó, việc các luật sư bảo vệ cho ngân hàng ACB cho rằng hành vi của bị
cáo Như chiếm đoạt 718 tỷ đồng liên quan đến ngân hàng này là đã phạm tội “tham
ô tài sản” là không đúng.
Xét về mặt khách quan của tội phạm, hành vi của Như có những đặc điểm giống với
tội tham ô nhưng ý thức chủ quan của bị cáo đã được làm rõ là nhằm chiếm đoạt là
tiền của ngân hàng ACB chứ không phải của Vietinbank. Do vậy, không có cơ sở
truy tố bị cáo Như phạm tội tham ô.
Về tội "làm giả tài liệu giấy tờ của cơ quan tổ chức", luật sư bào chữa cho bị
cáo Như cho rằng việc Như làm giả con dấu, tài liệu chỉ là một bước nhằm thực
hiện hành vi lừa đảo, do đã truy tố bị cáo về tội lừa đảo nên luật sư đề nghị
VKS rút quyết định truy tố Như về tội danh này.
Đại diện VKS khẳng định, dù mục đích Như sử dụng các con dấu, tài liệu giả làm
gì đi chăng nữa thì tội danh trên đã đủ yếu tố cấu thành một cách độc lập.
Cáo trạng: đúng người, đúng tội
Đối với bị cáo Võ Anh Tuấn – nguyên Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè,
việc luật sư bào chữa nói rằng Tuấn không phạm tội là không thể chấp nhận.
Mặc dù, bị cáo Tuấn không ký vào các hợp đồng nhưng bị cáo biết Như tự xưng là
Quyên - giả danh nhân viên Vietinbank chi nhánh Nhà Bè - nhưng vẫn im lặng để
Như huy động tiền của ba công ty Phú Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên là đã có hành vi
đồng phạm, giúp sức Như lừa đảo.
Về việc các luật sư cho rằng do Vietinbank được xác định là không bị thiệt hại
trong vụ án nên không có cơ sở truy tố nhóm các bị cáo về tội "vi phạm quy định
về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" là không đúng.
Bởi lẽ, theo VKS trong những yếu tố cấu thành cơ bản của tội "vi phạm quy định
về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" không quy định gây thiệt
hại mà chỉ nói là "gây hậu quả nghiêm trọng". Việc các cán bộ, nhân viên
Vietinbank bỏ qua quy định để giải ngân cho Như vay rồi chiếm đọa tiền đã gây
hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đối với các bị cáo còn lại, tội danh mà cáo trạng
truy tố là hoàn toàn chính xác.
Đối với bị cáo Nguyễn Thiên Lý cho rằng khoản tiền cáo buộc bị cáo hưởng lợi 735
tỷ đồng là không chính xác. Theo VKS, những con số trên là do chính Lý ghi và
theo dõi trong sổ sách cá nhân và phù hợp với lời khai của bị cáo Như nên không
có cơ sở chấp nhận.
VKS cũng đưa ra lý lẽ nhằm bác bỏ quan điểm của luật sư khi cho rằng Vietinbank
phải có nghĩa vụ bồi thường cho các bên được xác định là nguyên đơn dân sự và bị
hại trong vụ án.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
M.Phượng