Đây là nội dung được ông Ngô Phạm Việt chia sẻ tại buổi tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”.

Buổi tọa đàm do Ban Nội chính Thành ủy TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức sáng nay (11/10). 

anh 1.jpg
Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM - ông Ngô Minh Châu. Ảnh: CTV

Ông Ngô Minh Châu - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM - nhấn mạnh việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ cấp bách. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng từ các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Tuy vậy, ông Châu cũng nhận định bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại TPHCM còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

anh 6.jpg
Ông Ngô Phạm Việt tại buổi tọa đàm. Ảnh: CTV

Ông Ngô Phạm Việt cũng cho biết trong những tháng đầu năm nay, tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều diện đối tượng. Hành vi phạm tội có hệ thống và diễn ra trong thời gian dài.

Theo ông Việt, ngay từ khi giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát viên và cán bộ kiểm sát chủ động nghiên cứu để đề ra yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu và chứng cứ làm rõ dấu hiệu hình sự, xác định tài sản bị chiếm đoạt.

Vị này cũng khẳng định trong quá trình xét xử vụ án hình sự, VKS và TAND luôn chú trọng việc xét hỏi, tranh luận làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, tài sản bị thiệt hại và chiếm đoạt đã được sử dụng, chuyển hóa thế nào. Việc này nhằm áp dụng các biện pháp thu hồi chính xác, triệt để.

Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp

Tại tọa đàm, Chánh Thanh tra TPHCM - ông Trần Văn Bảy nhận định những bất cập trong quy định hiện nay tiềm ẩn nguy cơ cao việc đối tượng có hành vi sai phạm và người thân tẩu tán tài sản.

anh 5.jpg
Chánh Thanh tra TPHCM - ông Trần Văn Bảy. Ảnh: CTV

Qua đó, ông Bảy đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật đồng bộ, thống nhất và khả thi nhằm hạn chế việc người vi phạm tẩu tán tài sản; bổ sung cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản bằng hình thức “Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng”.

Theo Chánh Thanh tra TPHCM, việc thu hồi tài sản gặp khó khăn chủ yếu do các quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể; thiếu các biện pháp cưỡng chế và chế tài xử lý đối với các đối tượng chây ì, cố tình trốn tránh trách nhiệm.

"Trên thực tế, tài sản có do sai phạm thường được cất giấu, che đậy hay chuyển hình thức sở hữu ngay trong quá trình phạm tội. Do đó, chúng ta cần có quy định về quyền thanh, kiểm tra theo dõi biến động của mọi tài sản và thu nhập” - ông Bảy đề xuất.

Đồng quan điểm, Thượng tá Ngô Thượng Lăng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TPHCM - cho rằng ngay từ khi tiếp nhận cũng như trong suốt quá trình điều tra, cơ quan chức năng cần nhanh chóng phân tích và truy vết “dòng tiền” để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài sản.

Ông Lăng thông tin thời gian qua, Công an TPHCM đã nỗ lực điều tra, khám phá nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng; trừng trị nghiêm minh nhiều đối tượng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

anh 8.jpg
Thượng tá Ngô Thượng Lăng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TPHCM. Ảnh: CTV

Trong giai đoạn 2021-2023, Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã thụ lý giải quyết, điều tra 208 vụ án với 512 bị can và 419 vụ việc về kinh tế, tham nhũng trên nhiều lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt lên đến 1.992 tỷ đồng.

Vị đại diện Công an TPHCM nhấn mạnh trong quá trình tham gia tố tụng phải quyết liệt, thu thập triệt để chứng cứ chứng minh tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt để kịp thời phong tỏa, kê biên..., đặc biệt là các tài sản bị phân tán và đứng tên người thân của đối tượng.