- Đặc trưng của quan hệ Việt-Mỹ năm 2014 là mở rộng hơn về kênh trao đổi, sâu hơn về lòng tin chính trị, thực chất hơn về lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, gần nhau hơn về lợi ích chung và hứa hẹn hơn về triển vọng quan hệ.
Nổi bật nhất là quan hệ chính trị. Các đoàn cấp cao thăm viếng lẫn nhau diễn ra sôi động, liên tục.
Lãnh đạo cấp cao VN có các chuyến thăm Mỹ, nổi bật như chuyến thăm của Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Phía Mỹ có các đoàn của TNS John McCain, TNS Patrick Leahy…
Mỹ tuyên bố gỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương cho VN trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: AP |
Nét mới của năm là chuyến thăm Mỹ kéo dài 1 tuần Bí thư Phạm Quang Nghị chính thức đánh dấu việc hai nước triển khai quan hệ cấp cao trên kênh đảng.
Nhìn lại một chặng đường dài trong quan hệ, từ kẻ thù trở thành bạn và từ bạn thành đối tác toàn diện, những thay đổi đã giúp hai nước hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần giúp VN duy trì hòa bình ổn định, ngày càng phát triển, tăng cường hội nhập với khu vực và thế giới.
Xem clip Ngoại trưởng Mỹ - Việt nói về quan hệ song phương tại Washington DC tháng 10/2014:
Quan hệ Việt-Mỹ đang ngày càng trở nên bình đẳng hơn, vững chắc hơn, có lợi cho cả hai phía, có những đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Tuy đã có nền móng ban đầu nhưng còn sơ khai và vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn chưa được khai thác. Đây chính là cơ sở để tin tưởng vào tương lai của quan hệ, nhưng để đạt được điều đó, cần nhìn nó bằng cái nhìn mới.
Thứ nhất, cần đặt quan hệ Việt-Mỹ trong bối cảnh mới khi mà tình hình thế giới và khu vực hiện nay rất khác so với cách đây 20 năm.
Cả VN và Mỹ cũng vậy. Hầu hết mọi người Mỹ sang VN đều ngạc nhiên về những gì họ được tận mắt chứng kiến: một đất nước hòa bình chứ không phải chiến tranh, rất nhiều phong cảnh đẹp chứ không phải những hố bom, sự thân thiện và mến khách chứ không phải hận thù… khác xa với những gì họ tưởng tượng hay được nghe kể ở Mỹ.
Thứ hai là cần bình đẳng, không áp đặt và tôn trọng sự khác biệt của nhau, cần đề cao các giá trị chung và lợi ích chiến lược. Thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ là quá trình lâu dài, tiệm tiến. Mỹ và VN là hai nước ở rất xa nhau, có những đặc thù riêng của mỗi nước, nhưng cũng có ngày càng nhiều điểm chung.
Các khác biệt cần được từng bước hóa giải đồng thời cần đề cao các điểm đồng chiến lược, có ý nghĩa to lớn, lâu dài. Với VN là tôn trọng hệ thống chính trị, con đường mà VN đã chọn cũng như sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống… Với Mỹ là các nguyên tắc trong hệ thống chính trị cũng như các giá trị văn hóa riêng của người Mỹ.
Thứ ba là không ngừng mở rộng các lĩnh vực hợp tác thực chất, cùng có lợi. Quan hệ song phương còn nhiều dư địa để phát triển trên hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư tới an ninh, quốc phòng… Quan hệ ngày càng phát triển thì việc nảy sinh các tranh chấp cũng là điều khó tránh khỏi, nhưng cần nhìn nhận những “bất thường” này là “bình thường” vì đó cũng là đặc điểm chung trong quan hệ của Mỹ với nhiều quốc gia khác, kể cả các đồng minh gần gũi.
Cuối cùng cần gia tăng trao đổi, đối thoại, tiếp tục khép lại quá khứ, không ngừng mở rộng giao lưu, nhất là giao lưu nhân dân, giữa các thế hệ trẻ hai nước, tăng cường hợp tác giữa các địa phương…
Dù còn nhiều khác biệt về hệ thống chính trị, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và không ít vấn đề do lịch sử để lại nhưng điều đó không cản trở việc lòng tin chiến lược giữa hai nước không ngừng được củng cố.