Cần cơ chế đột phá

Tại cuộc họp gần đây, báo cáo của Bộ Công Thương đã nêu một số khó khăn, vướng mắc chính trong phát triển điện gió ngoài khơi liên quan đến quy hoạch; chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP); triển khai đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng; quy định pháp luật về biển; xác định tài nguyên gió là tài sản công.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi đã được đặt ra từ lâu, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

Đề án phải lựa chọn những dự án cụ thể, chỉ ra những vướng mắc về pháp lý, nghiên cứu khảo sát, chính sách, thủ tục đầu tư, tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ… trong quá trình thực hiện toàn bộ dự án. Đây là căn cứ đề xuất phương án thí điểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở "luật nào, chính sách nào, thẩm quyền của ai".

Là người có trên 20 năm kinh nghiệm phát triển và quản lý các dự án ĐGNK tại Châu Âu cũng như trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông Stuart Livesey, Trưởng đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam, CEO Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho rằng: Mỗi thị trường có cách tiếp cận riêng để khởi tạo ngành ĐGNK, tuy nhiên, theo tôi quan sát, có một số điểm tương đồng ở những quốc gia khởi tạo và mở rộng quy mô thị trường ĐGNK thành công, đó là triển khai dự án thí điểm kết hợp cơ chế giá FiT trong giai đoạn đầu.

Năm 1991, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lắp đặt tuabin gió trên biển với 11 tuabin công suất 450 kW tại trang trại gió ngoài khơi Vindeby. Thị trường ĐGNK ban đầu được hỗ trợ bởi cơ chế giá FiT với 2 dự án thí điểm thành công, sau đó chuyển sang cơ chế đấu giá cạnh tranh sau năm 1993. Qua các năm, khi thị trường và công nghệ ngày càng phát triển, chi phí trên mỗi kWh đã giảm đáng kể trong khi tổng công suất ĐGNK tính đến năm 2024 của Đan Mạch đạt 2,7 GW, mục tiêu 12,9 GW vào năm 2030. 

Vương quốc Anh cũng đi theo lộ trình tương tự. Ban đầu, Anh phát triển 3,2 GW ĐGNK theo cơ chế FiT, trước khi chuyển sang đấu giá cạnh tranh sử dụng Hợp đồng chênh lệch từ năm 2015, giúp mức giá đấu thầu giảm 65% trong giai đoạn 2015 - 2019. Hiện tại, Anh sở hữu 14,7 GW ĐGNK đang vận hành và ĐGNK hiện là nguồn năng lượng rẻ nhất tại Anh. 

dien gio 1422 2004.jpg
Việt Nam đang thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi

Tương tự, Đức cũng áp dụng mô hình Thí điểm – FiT – Đấu thầu. Ban đầu, Đức áp dụng cơ chế hỗ trợ giá cho ĐGNK ở mức 15 cent/kWh vào năm 2009, sau đó tăng dần công suất ĐGNK lên 8,9 GW tính đến năm 2024 với mức giá đấu thầu mới nhất giảm xuống còn 0 USD/kWh, nghĩa là bán theo giá thị trường mà không cần bất kì hình thức hỗ trợ giá nào.

Theo ông Stuart Livesey, hai bài học chính mà Việt Nam có thể học hỏi từ những quốc gia này.

Trước hết, việc xây dựng những chính sách hỗ trợ phù hợp, đột phá từ Chính phủ sẽ tạo nền tảng vững chắc và mang đến sự tin tưởng cho nhà đầu tư tham gia vào một ngành mới chưa từng có tiền lệ tại quốc gia đó, đặc biệt ngành ĐGNK với đặc thù công nghệ phức tạp và chi phí đầu tư nhiều tỷ USD. 

Thứ hai, Việt Nam nên hướng tới hệ thống pháp lý linh hoạt, thích ứng với thực tế triển khai trong từng giai đoạn, nghĩa là các quy định pháp lý không nhất thiết phải hoàn chỉnh ngay từ đầu, tương tự như ngành dầu khí ở giai đoạn sơ khai. Công nghệ luôn phát triển, nhu cầu tiêu thụ năng lượng và thị trường luôn thay đổi. Các quy định pháp lý cũng cần thích ứng những thay đổi này, trong khi vẫn cần thể hiện cho nhà đầu tư sự chắc chắn nhất định trong lộ trình phát triển ngành.  

Ngoài ra, cách tiếp cận 3 giai đoạn của Đài Loan (Trung Quốc) cho phép thử nghiệm tính khả thi trong việc triển khai dự án và từng bước mở rộng quy mô. Cụ thể, giai đoạn 1 và 2 bao gồm các dự án thí điểm với cơ chế giá FiT 20 cent/kWh để thu hút các nhà phát triển nước ngoài và khởi tạo ngành, trong khi giai đoạn 3 bao gồm các dự án quy mô lớn hơn áp dụng cơ chế đấu giá cạnh tranh và mua bán điện trực tiếp DPPA. Hiện tại, Đài Loan sở hữu 2,2GW điện gió ngoài khơi đang vận hành và 1GW khác đang được xây dựng. 

Hợp tác với những đối tác có kinh nghiệm

Hiện nay, Bộ Công Thương được giao rà soát kỹ vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư, xuất khẩu điện, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài… thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tháo gỡ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ cũng đang làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) để xúc tiến các bước chuẩn bị triển khai 2 dự án thí điểm.

Ông Stuart Livesey chia sẻ: Tôi tin rằng việc các tập đoàn nhà nước (ví dụ như PVN, EVN) hợp tác với nhà phát triển dự án quốc tế giàu kinh nghiệm là cách dễ dàng và nhanh nhất để Việt Nam có thể nắm bắt công nghệ tiên tiến, phương pháp xây dựng, vận hành thực tế, giúp giảm đáng kể rủi ro và chi phí, đảm bảo dự án được bàn giao đúng thời hạn và trong phạm vi ngân sách đã đề ra. Hợp tác với các đối tác quốc tế có uy tín cũng tạo điều kiện để dự án tiếp cận chuỗi cung ứng và nguồn vốn quốc tế, yếu tố vô cùng quan trọng đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Sự phối hợp này cũng sẽ tạo điều kiện chuyển giao kiến ​​thức, nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực trong nước. 

Chẳng hạn, Tập đoàn CIP (Đan Mạch) đã hợp tác thành công với CSC, một doanh nghiệp nhà nước của Đài Loan (Trung Quốc), triển khai dự án ĐGNK Zhong Neng công suất 300MW. 

“Tôi tin rằng để triển khai thành công các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam, sự hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế giàu kinh nghiệm, có tầm nhìn và cam kết dài hạn tại Việt Nam, cộng thêm những chính sách hỗ trợ giá và quy trình phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan sẽ là yếu tố không thể thiếu. Các thành viên trong thị trường cũng mong chờ Luật Điện lực được hoàn thiện và cơ chế thí điểm dự kiến ban hành cuối năm 2024 cho phép tập đoàn nhà nước hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài phát triển các dự án ĐGNK đầu tiên nhằm sớm khởi tạo thị trường ĐGNK của Việt Nam”, vị này chia sẻ.