Dẫn báo cáo từ Hiệp hội Hạt điều Campuchia, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho hay quốc gia này đã trở thành nước sản xuất hạt điều thô lớn thứ hai thế giới, với tổng sản lượng là 830.000 tấn trong 7 tháng năm 2024.

Còn theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7 năm nay, nước ta đã chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu gần 786.530 tấn hạt điều thô từ Campuchia, tăng mạnh 34,1% về lượng và tăng 26,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Tỷ trọng hạt điều Campuchia chiếm 47,2% kim ngạch nhập khẩu toàn ngành điều của nước ta, tăng 9,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, với con số nhập khẩu gần 786.530 tấn, Việt Nam bao mua tới gần 95% sản lượng hạt điều thô của Campuchia trong 7 tháng năm nay.

Những năm gần đây, ngành điều Campuchia phát triển với tốc độ chóng mặt, trở thành nguồn cung lớn nhất cho Việt Nam.

Để thúc đẩy ngành điều phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Cham Nimul mới đây đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban liên bộ giám sát và đánh giá việc thực hiện Chính sách điều quốc gia 2022-2027. 

Chính sách này được đưa ra vào tháng 6 năm ngoái nhằm mục đích phát triển sản xuất, chế biến và tiếp thị hạt điều để có sức cạnh tranh hơn, đảm bảo tính bền vững và đa dạng hóa. Đồng thời, đưa Campuchia trở thành nhà sản xuất và cung cấp hạt điều quan trọng tại địa phương, trong khu vực và trên toàn cầu.

Campuchia đang nỗ lực khẳng khẳng định vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt điều hàng đầu thông qua Chính sách quốc gia về hạt điều giai đoạn 2022-2027. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu thúc đẩy sản lượng hạt điều, phát triển các cơ sở chế biến, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đơn giản hóa các chương trình tạo thuận lợi thương mại.

Qua chính sách mới, năng lực xử lý của Campuchia dự kiến ​​sẽ tăng từ 5% lên 25% vào năm 2027 và ít nhất 50% vào năm 2032. Tuy nhiên, Campuchia cần đầu tư bổ sung khoảng 329 triệu USD để thực hiện Chính sách điều quốc gia 2022-2027 nhằm phát triển cơ sở hạ tầng.

Trái ngược Campuchia, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu điều nhân. Trong 8 tháng năm nay, nước ta xuất khẩu khoảng 478.000 tấn điều nhân, thu về hơn 2,77 tỷ USD, tăng 22,9% về lượng và tăng 21,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, chỉ ra nghịch lý nguồn nguyên liệu nội địa phục vụ cho sản xuất chế biến chỉ đáp ứng một phần nhỏ, còn lại phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu, trong đó có lượng lớn hàng từ quốc gia láng giềng Campuchia.

Những năm gần đây, cùng với châu Phi, Campuchia cũng chủ trương phát triển công nghiệp chế biến nội địa, giảm dần xuất khẩu thô. Các nước này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều; với điều thô xuất khẩu áp quy định và giám sát chặt giá bán tối thiểu; áp mức thuế suất xuất khẩu điều thô cao, nhưng lại miễn thuế cho điều nhân xuất khẩu.

Theo đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đã đưa ra cảnh báo nếu nước ta không chủ động được nguồn cung nguyên liệu, vị trí số 1 thế giới có thể bị lung lay.

Lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, trong điều kiện khó gia tăng diện tích, doanh nghiệp ngành điều nước ta có thể hợp tác, khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào, bao gồm cả hợp tác nghiên cứu, chuyển giao giống và kỹ thuật trồng trọt cho nước bạn. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ nhập nguồn điều thô này về Việt Nam để chế biến.