TS.Nguyễn Đình Cung chia sẻ quan điểm tại tọa đàm về kinh doanh xăng dầu do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 6/3.

Thương nhân phân phối bị đỗ lỗi?

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai, chia sẻ: Thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như doanh nghiệp bán lẻ. Thời gian qua, cả doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối đều lỗ.

Tọa đàm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối, cơ quan quản lý, chuyên gia nhưng thiếu các doanh nghiệp đầu mối. (Ảnh: BTC)

Theo ông Phụng, doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân, nguyên nhân khiến khâu phân phối và bán lẻ bị lỗ. Việc đứt gãy xăng dầu, qua dịch bệnh, lộ rõ vấn đề trong điều hành.

“Lượng hàng dự trữ không còn, chúng tôi là thương nhân phân phối mà cũng không được rót xăng dầu thì làm sao chúng tôi rót cho bán lẻ. Bất cập là từ đầu mối nhập khẩu xăng dầu, việc điều hành ở đó bất cập. Chúng tôi rất lỗ”, ông Phụng nói.

Quản lý thị trường liên tục kiểm tra các bồn chứa xăng dầu. 

Trong khi đó, nói về mức chiết khấu vốn gây bức xúc cho hệ thống bán lẻ thời gian qua, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng: Phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho...

"Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học", ông Đông nêu vấn đề.

Ông cho biết, đa số các ý kiến của thành viên Ban Soạn thảo sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 nghiêng về phương án trả lại cho thị trường nhiều hơn, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước. 

"Nhà nước vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng không sử dụng liên tục và không sử dụng như hiện nay. Việc dùng Quỹ sẽ công khai minh bạch, máy móc sẽ tính toán lúc nào dùng Quỹ chứ không phải con người tính", đại diện Ban Soạn thảo chia sẻ.

"Không nên đổ lỗi qua lại"

TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng, đến thời điểm hiện tại, các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định. Doanh nghiệp bán lẻ không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.

"Nhà nước đừng để doanh nghiệp bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách", ông Cung lưu ý.

"Chúng ta cứ nói về khái niệm chiết khấu này, chiết khấu kia, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác. Hãy để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa", ông Cung góp ý.

Bên cạnh đó, ông Cung cho rằng phải thừa nhận những công cụ quản lý của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp mà hệ quả là sự thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách.

"Cho đến nay, chúng ta chưa có thị trường xăng dầu thực sự vì còn nhiều sự can thiệp của Nhà nước" - TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: “Thực tế cho thấy cơ quan quản lý đưa ra mức trần để các doanh nghiệp điều chỉnh cho phù hợp để cạnh tranh với nhau. Nhưng những năm qua, không ai cạnh tranh giá cả mà nghiễm nhiên lấy mức trần. Quy định công khai rõ ràng về công thức xác định giá, tuy nhiên quy định vẫn đứng về phía doanh nghiệp đầu mối, chưa tính đến quyền của bên phân phối".