Rửa tiền đang ngày càng tinh vi hơn

Hoạt động rửa tiền đang ngày càng tinh vi hơn khi hầu hết các quốc gia đã hình sự hóa hành vi “rửa tiền”.

Hiện nay, các cơ quan phòng chống rửa tiền (PCRT) quốc tế phân các quốc gia thành 3 nhóm: Các quốc gia có rủi ro về phòng chống rửa tiền và gây bất ổn cho hệ thống tài chính; Các quốc gia có sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế chống rửa tiền hoặc thực hiện đúng kế hoạch đã cam kết; Và các nước có sự thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền nhưng có các cam kết cấp Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch hành động, phải chịu sự giám sát liên tục của các cơ quan về phòng chống rửa tiền.

Ảnh minh hoạ

Liên quan đến chủ thể của tội phạm rửa tiền, hiện nay, vấn đề còn gây tranh cãi lớn nhất đó là chủ thể của tội phạm rửa tiền có hay không bao hàm người đã thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Tội phạm nguồn của tội rửa tiền là tội phạm chính tạo ra thu nhập mà khi được rửa sẽ dẫn đến tội rửa tiền.

Công ước Viên năm 1988

Công ước Viên năm 1988, là Công ước đầu tiên có các quy định về đấu tranh chống rửa tiền ở cấp độ quốc tế.

Theo nội dung Công ước này, không có quy định nào xác định chủ thể của tội phạm rửa tiền bao gồm cả người phạm tội nguồn. Nhưng tại mục I, điểm b khoản 1 Điều 3 Công ước Viên, quy định: “Chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi biết rằng tài sản đó thu được từ bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định tại điểm (a) của khoản này hoặc từ việc tham gia vào hoạt động phạm tội đó với mục đích che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc giúp bất kỳ người nào có dính líu vào hành vi phạm tội như vậy trốn tránh trách nhiệm hình sự của hành vi đó;”.

Mục đích là yếu tố bắt buộc, tức là hành vi rửa tiền phải xuất phát từ một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất: Nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản;

Trường hợp thứ hai: Nhằm “giúp đỡ” người phạm tội trốn tránh các hậu quả pháp lý do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Công ước Viên chỉ quy định về các tội phạm nguồn của tội buôn bán bất hợp pháp ma túy, vì vậy, những hành vi phạm tội không liên quan đến buôn bán bất hợp pháp ma túy như lừa đảo, bắt cóc và trộm cắp thì không cấu thành tội rửa tiền theo Công ước Viên.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã hình thành quan điểm rằng các tội phạm nguồn của tội rửa tiền cần phải được mở rộng, chứ không phải chỉ bó hẹp trong hành vi buôn bán bất hợp pháp ma túy. Vì vậy, FATF và các tổ chức quốc tế khác đã mở rộng định nghĩa của Công ước Viên về tội phạm nguồn để bổ sung cả những hành vi phạm tội nghiêm trọng khác.

Dưới góc độ khoa học luật hình sự, rửa tiền là một tội phạm tương đối đặc biệt. Với tư cách là một tội phạm phái sinh, rửa tiền có thuộc tính phụ thuộc tự nhiên vào tội phạm nguồn. Có thể nói không có tội phạm nguồn thì không có tội phạm rửa tiền.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố, Việt Nam đã nỗ lực triển khai ngày càng có hiệu quả hơn cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố thông qua việc ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý toàn diện về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ cho khủng bố, Việt Nam đã nỗ lực triển khai ngày càng có hiệu quả hơn cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố thông qua việc ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Việt Nam đã có khuôn khổ pháp lý toàn diện về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và đã được Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thừa nhận tại Hội nghị toàn thể FATF tháng 2/2014. Bên cạnh đó, hệ thống các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam đã từng bước được củng cố, phát triển.

Trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam là Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống rửa tiền. Ngày 12/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là Phó Trưởng Ban thường trực; lãnh đạo Bộ Công an là Phó Trưởng Ban.

Các Thành viên: (1) Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; (2) lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; (3) Văn phòng Chính phủ; (4) Bộ Quốc phòng; (5) Bộ Tư pháp; (6) Bộ Ngoại giao, (7) Bộ Nội vụ, (8) Bộ Tài chính; (9) Bộ Công Thương; (10) Bộ Kế hoạch Đầu tư, (12) Bộ Thông tin và Truyền thông, (13) Bộ Xây dựng; (14) Thanh tra Chính phủ; (15) Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Quang Phong và nhóm PV, BTV