Năm ngoái, một trong những đóng góp quan trọng của Việt Nam trong hoạt động của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội là đã đưa ra đề xuất về việc xây dựng hai Tuyên bố quan trọng trong lĩnh vực văn hoá và xã hội.
Đó là Tuyên bố của Lãnh đạo Cấp cao ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực và Kỹ năng cho Phục hồi kinh tế và Tăng trưởng bền vững và Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em ASEAN. Việt Nam đã có những nỗ lực để tạo sự đồng thuận và sự cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các ưu tiên của Cộng đồng.
Việt Nam đã nỗ lực để tạo sự đồng thuận và sự cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các ưu tiên của Cộng đồng |
Đối với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong thời gian tới để thúc đẩy các hoạt động của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội, tăng cường vai trò của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội, một số giải pháp cần phải thực hiện, bao gồm:
Tăng cường thực hiện các cam kết và các sáng kiến ưu tiên về văn hoá xã hội liên quan phát triển con người; Phúc lợi và bảo trợ xã hội; Công bằng xã hội và các quyền; Đảm bảo tính bền vững của môi trường; Thu hẹp khoảng cách và xây dựng bản sắc ASEAN thông qua việc xác định các ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện các ưu tiên ở cấp quốc gia, cấp khu vực; Tăng cường hơn nữa vai trò chủ tịch của các cơ quan chuyên môn của ASEAN trong việc điều phối tổ chức thực hiện để các cơ quan này hoạt động hướng tới chương trình nghị sự chung của ASEAN; Tăng cường cơ chế giám sát để đảm bảo tính thực thi.
Các nước thành viên cần xây dựng tinh thần chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các hoạt động của Kế hoạch tổng thể của ASCC thông qua việc đảm bảo các sáng kiến ASEAN trong lĩnh vực văn hoá xã hội được nội hoá ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy và bổ sung những nhu cầu phát triển của quốc gia trong bối cảnh ASEAN và thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn kế hoạch chung của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội.
Tăng cường huy động nguồn lực để thực hiện các ưu tiên thông qua việc xây dựng một cơ chế tốt nhằm huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực, từ cả các nước thành viên cũng như các đối tác của ASEAN để thực hiện kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội theo đúng lộ trình.
Thúc đẩy đề xuất sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác ASEAN về các lĩnh vực liên quan của Cộng đồng. Bố trí nguồn lực thích hợp để tiếp tục triển khai, thực hiện những sáng kiến đã được thông qua trong ASEAN. Tiếp tục chủ động tham gia tích cực các hoạt động theo các lĩnh vực chuyên ngành trong đó có chú trọng tới công tác phối hợp xây dựng chính sách chung của ASEAN.
Tóm lại, cộng đồng ASEAN với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa -xã hội, có mục tiêu tổng quát là trở thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Thành công của ASEAN là do sự tụ hội của nhiều nhân tố, nhưng trước hết là do sự chia sẻ nhiều lợi ích cơ bản cũng như tầm nhìn, quyết tâm chính trị mạnh mẽ và những nỗ lực của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là hệ thống pháp lý của Việt Nam cần có những sửa đổi, bổ sung nhanh và kịp thời với cam kết của Cộng đồng chung ASEAN, coi đó là nền tảng của kiểm soát xã hội đối với quản lý phát triển xã hội.
Hoàng Hiệp