Ngày 28/7 là ngày kỷ niệm 26 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Năm ngoái, ĐS Luận Thùy Dương đã có bài viết sâu sắc về một ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, chủ động thích ứng, phát triển bền vững và mạnh mẽ sau 2025:
Tham gia ASEAN, lợi ích lớn nhất và xuyên suốt là giúp Việt Nam có được một môi trường chiến lược và an ninh – chính trị thuận lợi để thúc đẩy quan hệ láng giềng với các nước trong khu vực, giải quyết những vấn đề trong quan hệ song phương do lịch sử để lại hoặc mới phát sinh, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các đối tác, với các nước lớn và giúp Việt Nam có tiếng nói trên trường quốc tế.
Tham gia ASEAN hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quan hệ với các đối tác, với các nước lớn và giúp Việt Nam có tiếng nói trên trường quốc tế. |
Thứ hai, lợi ích quan trọng của Việt Nam là tìm kiếm và mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.
Thứ ba, khi ASEAN bước sang giai đoạn xây dựng Cộng đồng thì lợi ích cơ bản của Việt Nam là có thêm nhiều dư địa thúc đẩy hội nhập lên một mức độ cao hơn, liên kết toàn diện hơn, trong nội khối, và có vị thế cao hơn trong quan hệ đối ngoại với bên ngoài khối ASEAN.
Giờ đây Việt Nam đang cùng ASEAN bước vào một thời kỳ mới với nhiệm vụ mới: xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025. Việt Nam cần phải thấy rõ những khó khăn, thách thức ở phía trước, được và mất. Thách thức lớn nhất là Việt Nam phải làm cho 2 thành tố “gắn kết” và “thích ứng” mà Việt Nam đã lấy làm chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN có tính giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau, không chỉ trong năm 2020 mà cả những năm tiếp theo, trở thành hiệu ứng lâu dài trong ASEAN. Tiếng vang cần phải có hiệu ứng.
Thách thức thứ hai là làm sao duy trì được phương cách ASEAN với các nguyên tắc cơ bản, đặc biệt tăng cường các hoạt động tham vấn trên cơ sở đồng thuận, nhằm đảm bảo ASEAN tiếp tục là một Cộng đồng đoàn kết. Có ý kiến cho rằng “phương cách ASEAN” với nguyên tắc đồng thuận phù hợp với giai đoạn ASEAN xây dựng lòng tin nhưng không còn phù hợp với giai đoạn ASEAN muốn đóng vai trò dẫn dắt, kiến tạo. Phương cách và nguyên tắc này đôi khi đã làm tê liệt ASEAN, nhất là trong vấn đề Biển Đông và một số hợp tác kinh tế, hợp tác tiểu vùng. Sự thay đổi phương cách ASEAN, điều chỉnh các nguyên tắc cơ bản của ASEAN có thể thuận với thực tiễn mới nhưng cũng sẽ gây bất lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của những nước thành viên khác. Việt Nam phải xác định được hướng thoát ra khỏi thế tiến thoái lưỡng nan này.
Thách thức thứ ba là Việt Nam vừa phải duy trì được chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng trong quan hệ với các nước lớn, vừa phải cùng các nước ASEAN, các nước có tranh chấp và các nước có lợi ích ở Biển Đông, thúc đẩy sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), làm nền tảng duy trì hoà bình và ổn định lâu dài ở khu vực. Lợi ích quốc gia và lợi ích Cộng đồng phải hài hoà.
Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 và những năm tiếp theo. Khó khăn lớn nhất là đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự kém hiệu quả của các thể chế và cơ chế đa phương, do vậy các hành động đa phương, phản ứng tập thể kém. Việt Nam phải cùng các nước ASEAN rà soát lại các cơ chế hợp tác, các dự án hợp tác, giải quyết những tồn tại, bất cập, chú trọng hơn hiệu quả hoạt động của các cơ chế, các dự án hợp tác thì mới tạo được niềm tin và động lực gắn kết ASEAN hơn.
Khó khăn thứ hai là Việt Nam phải cùng các nước ASEAN vượt qua được sức ép phân hóa của các nước lớn, duy trì được sự đoàn kết, có được tiếng nói chung, trong cục diện mới với sự cạnh tranh chiến lược sẽ ngày càng căng thẳng, khó lường giữa các nước lớn, đặc biệt là hiệu ứng từ sự căng thẳng Mỹ - Trung và các tập hợp lực lượng mới.
Nếu Việt Nam không vượt qua được các thách thức, khó khăn này, tìm được định hướng phát triển cho ASEAN trong 10-15 năm tới thì uy tín, vị thế và vai trò của Việt Nam sẽ suy giảm, những nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 25 năm qua với tư cách thành viên ASEAN và trong năm Chủ tịch ASEAN sẽ khó được phát huy.
Tuy nhiên, chúng ta có thể lạc quan, vì Việt Nam có kinh nghiệm đóng góp và thể hiện vai trò dẫn dắt trong nhiều hoạt động của ASEAN. Với vai trò kép, Chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ trong năm 2020 đang tạo cho Việt Nam có cơ hội thuận lợi để thể hiện vị thế lãnh đạo của mình trên phạm vi toàn cầu, đồng thời giúp mở rộng và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trên trường quốc tế.
Vị thế cao đang là cơ hội để Việt Nam tăng cường quan hệ song phương với nước lớn. Đây cũng là cơ hội quan trọng để Việt Nam điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN, tranh thủ thúc đẩy tiếp xúc, hợp tác song phương với các đối tác cả trong và ngoài ASEAN. Việt Nam phải nắm lấy cơ hội này để đưa các quan hệ song phương đi vào chiều sâu, huy động nguồn lực và tăng cường năng lực, phục vụ phát triển đất nước.
ASEAN đã bắt đầu một hành trình mới với tên gọi Cộng đồng, tràn đầy quyết tâm, và tự tin. Một ASEAN với tầm nhìn liên kết sâu rộng, chủ động thích ứng, phát triển bền vững và mạnh mẽ sau 2025 chắc chắn sẽ tiếp tục mang lại cho các nước thành viên, cho Việt Nam, và cho khu vực nhiều lợi ích to lớn và thiết thực hơn. Việt Nam đã là một thành viên có trách nhiệm trong 25 năm qua, sẽ tiếp tục có những đóng góp và có vai trò to lớn hơn trong những năm tiếp theo. Với phương châm chủ động, tích cực, có trách nhiệm và thích ứng cao, Việt Nam sẽ có những đóng góp hữu hiệu cho một Cộng đồng ASEAN ngày càng đoàn kết và vững mạnh.
Hồng Hạnh