Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến nay, hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

Khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước.

Ảnh minh họa

Tại Diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông dòng vốn đầu tư mới" mới được tổ chức gần đây, nhiều ý kiến chuyên gia và tổ chức quốc tế cho rằng, Việt Nam đang đứng trước "cơ hội vàng" để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố quan trọng tạo nên cơ hội như bên cạnh sự ổn định chính trị, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất trong khu vực; các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế.

Cùng với đó, nhiều Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết và đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.

Sự quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của nhà nước, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc và sự tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của các doanh nghiệp đầu ngành, điều kiện hạ tầng cho phát triển công nghiệp cho cả 3 miền đã và đang được cải thiện rõ rệt.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút đầu tư, các khu công nghiệp, khu kinh tế cần có cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn tốt, dịch vụ xuất sắc và rất quan trọng là cần có sự đồng hành với nhà đầu tư.

Để tạo thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, thời gian qua Chính phủ cũng có những chính sách tạo thuận lợi cơ bản, như xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường giao thông kết nối vùng, với thị trường quốc tế được nâng cấp và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội; duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt còn hạn chế.

Do vậy, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có chính sách để tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Lê Hợp, Lê Thị Thúy, Đặng Hoài Thanh