Việt Nam coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Theo Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), nhằm mục tiêu hướng đến người dùng cuối, hiệu quả năng lượng sẽ giúp tiết kiệm điện và các nhiên liệu khác, giúp giảm thiểu các tác động môi trường của ngành, đạt được các mục tiêu phát triển và phát thải xanh và đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài - những lợi ích tương tự như những lợi ích có được từ năng lượng tái tạo ở phía cung.
Tại Cuộc họp lần thứ 6 Nhóm Công tác kỹ thuật về Hiệu quả năng lượng trong khuôn khổ các hoạt động của VEPG ngày 13/4/2021 mới đây, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Chính phủ Việt Nam coi trọng, đã được thể chế hóa tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản dưới Luật.
Việt Nam đạt được một số động lực bền vững trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả |
Việt Nam đã đạt được một số động lực bền vững trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả kể từ khi có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010) và việc hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2012-2015.
Sau đó 4 năm, ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 tại Quyết định số 280/QĐ-TTg.
Chương trình quốc gia đặt ra hai mục tiêu với trọng tâm cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Mục tiêu đầu tiên của VNEEP3 là tiết kiệm từ 8-10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Mục tiêu này được phân kỳ thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2019 - 2025 với yêu cầu cả nước phải tiết kiệm từ 5-7% tổng năng lượng yêu cầu cho phát triển đất nước trong giai đoạn; Giai đoạn 2026 - 2030 với yêu cầu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường.
Chính sách nhất quán trong chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối thực hiện VNEEP3, trong những năm qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra về tiết kiệm năng lượng với sự hợp tác và hỗ trợ của các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế, trong đó có các giải pháp về chính sách, tài chính, truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và giải pháp ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiệu suất năng lượng cao, dần loại bỏ các công nghệ tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Triển khai Quyết định 280/QĐ-TTg, hơn 40 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện VNEEP3 trên địa bàn. Ngoài ra, một số tỉnh thành cũng đang xây dựng kế hoạch hành động hiệu quả năng lượng cho địa phương mình với sự hỗ trợ của các tổ chức như Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Gần đây nhất, vấn đề tiết kiệm năng lượng tiếp tục được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Chỉ thị số 20/CT-TTg về Tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Các chuyên gia quốc tế nhận định, cùng với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành năm 2010, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, sự ra đời và triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tới lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bài: Thanh Bình
Ảnh: Hữu Hải