Cần tài chính từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước

Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính IFC – đơn vị cho vay thuộc khu vực tư nhân của Nhóm WB ước tính chi phí để Việt Nam cần lên tới 368 tỷ USD, để đến năm 2040 để đạt được mục tiêu kép kể trên.

Thế nhưng, đầu tư của Chính phủ chỉ có thể chi trả một phần tiền này, còn lại phải dựa vào khu vực tư nhân.

Việt Nam thúc đẩy năng lượng xanh

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 ngày 17/12, ông Jules Alain Le Gaudu, chuyên gia IFC cho rằng: “Khu vực tư nhân sẽ cần phải đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050”.

“Việt Nam cần có hành động ngay lập tức và táo bạo để thu hút vốn tư nhân trước khi nó chảy vào các thị trường khác”, ông Jules Alain Le Gaudu lưu ý. Bởi các nước khác trong khu vực cũng đang tăng cường nỗ lực để thu hút các khoản tài trợ liên quan khí hậu.

Đánh giá khu vực tư nhân sẽ là trụ cột trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, chuyên gia IFC dự kiến khu vực này sẽ đóng góp khoảng một nửa chi phí, tương đương 184 tỷ USD.  Tài chính tư nhân có thể được huy động thông qua tín dụng khí hậu được các ngân hàng, cổ phiếu ESG và trái phiếu bền vững.

Trong lĩnh vực năng lượng - nơi phần lớn chi phí giảm phát thải carbon của nền kinh tế, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng xanh khác là quan trọng. Nhưng các rào cản đối với đầu tư vào lĩnh vực này cần được tháo gỡ, bao gồm việc thiếu các quy định rõ ràng, khả năng tiếp nhận của lưới điện bị hạn chế và các vấn đề xung quanh khả năng vay vốn của các dự án.

“Xanh hóa khu vực tài chính phải là ưu tiên hàng đầu”, đại diện IFC khuyến nghị phát triển các công cụ tài chính như cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Trong đó, việc thực hiện những cải cách pháp lý cần thiết để nâng hạng Việt Nam lên thành Thị trường mới nổi sẽ thúc đẩy vốn cổ phần nước ngoài vào Việt Nam.

15,5 tỷ USD đầu tiên hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh

Xanh hóa khu vực tài chính, thúc đẩy chuyển đổi xanh chính là lý do để Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ JETP (Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng).

Ngày 14/12, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận JETP.

Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.

15,5 tỷ USD góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi xanh

JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới, gồm: Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030; giảm tới 30% phát thải hằng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn và đẩy nhanh đỉnh phát thải sớm thêm 5 năm vào năm 2030; giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30,2 GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37 GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại.

Đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, và hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với sự hỗ trợ của quốc tế.

Việc thông qua tuyên bố chính trị cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ, nhất quán và nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay.

Bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra rất nhiều thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi và hợp tác với các nước và các đối tác quốc tế khác, trên cơ sở công bằng, công lý, bình đẳng, cùng có lợi, để vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vừa giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khi đến thăm, làm việc tại Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB),  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị EIB tiếp cận theo tinh thần Chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP, trong đó, các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu và nước biển dâng) mà Việt Nam đang đàm phán với các nước G7, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về giảm phát thải, phù hợp với thỏa thuận về biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nên cần các điều kiện vay ưu đãi hơn như về lãi suất để đảm bảo nguyên tắc công bằng, công lý.

Thủ tướng lấy ví dụ, các dự án chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam phải có giá ở mức mà người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế chịu đựng được, không thể ở mức cao như với các nước có thu nhập bình quân đầu người lên tới 50.000-60.000 USD.

"Việt Nam là một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ 4.000 USD mà phải làm như một nước có thu nhập hàng chục nghìn USD, một nước đang phát triển mà phải làm như một nước phát triển thì phải có ưu đãi; quan điểm của chúng tôi về công bằng, công lý là như vậy", Thủ tướng cho biết.

 Hồng Nhì, Ngân Phương, Ngọc Dũng