Độc dược của virus vào đàn lợn là chết 100%

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, tính đến ngày 12/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).

Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

{keywords}
Nếu lợn đã nhiễm virus là chết là cả

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng 13/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, lịch sử ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam chưa bao giờ phải đối diện với loại dịch nguy hiểm, tốn kém chi phí phòng chống, thiệt hại về kinh tế lớn nhất như DTLCP.

Theo Bộ trưởng Cường, mặc dù dịch này xảy ra sớm ở châu Phi từ năm 1921 nhưng hình dung khi đó không khủng khiếp như bây giờ. Chỉ 3-4 năm gần đây tốc độ lan truyền dịch bệnh mới lớn và nhanh. Hiện 56 quốc gia bị dịch bệnh này, các quốc gia châu Á cũng có nhiều nước bệnh.

“Đây là giai đoạn đầu bắt đầu lan tỏa, lan tuyền rất nhanh. Độc dược của loại virus này đã vào đàn lợn nào là chết 100%. Điều trớ trêu là vẫn chưa có vắc xin phòng, cũng chưa có thuốc chữa trị”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, ở Việt Nam bệnh lây lan nhanh là do ngành chăn nuôi của chúng ta có đặc thủ nhỏ lẻ, không gian sản xuất chật hẹp. Đặc biệt, khí hậu năm nay lại diễn biến thất thường khiến tốc độ dịch bệnh lây lan rất nhanh. Trên thực tế còn kinh khủng hơn những tài liệu mà thế giới công bố.

Năm 2018, bệnh dịch xuất hiện tại Trung Quốc, chúng ta lên kịch bản phòng chống từ lúc đó. Nhưng đầu năm 2019, dịch này đã xuất hiện ở nước ta.

{keywords}
Dịch tả lợn châu Phi đã lan vào phía Nam và thủ phủ của ngành chăn nuôi - Đồng Nai

Đến nay, bệnh đã lan ra quy mô 29 tỉnh, 1,2 triệu con lợn bị tiêu huỷ. Theo bộ trưởng Cường, dù lợn bị tiêu huỷ chỉ chiếm 4% tổng đàn lợn cả nước nhưng tốc độ này sẽ còn số lợn phải tiêu huỷ sẽ còn tăng.

Trong quá trình phòng chống, nhiều tỉnh thành đã làm rất tốt, cần biểu dương; song cũng có những địa phương làm chưa tốt, cần rút kinh nghiệm. Bệnh sẽ lan truyền phức tạp, phải siết lại công tác phòng chống để trước mắt hạn chế thấp nhất thiệt hại, hạn chế quy mô lây truyền. Tới đây bệnh đi vào ổn định có những giải pháp tái đàn sau này.

Chính quyền lơ là, lợn chết vứt đầy sông suối

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho biết, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ NN-PTNT đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục Thú y và các đơn vị thường xuyên thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch, địa phương nguy cơ cao để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh.

{keywords}
Nhiều địa phương còn lơ là trong công tác phòng chống dịch tả lợn

Đáng báo động, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện. Thậm chí, có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường (vườn nhà, sông suối, ao, rạch; tại khu vực cầu phao sông Hóa và cầu phao dân sinh - cầu ông Khởi, các lực lượng đã phải thu gom, xử lý tiêu hủy 395 xác lợn).

Trong khi đó, tại nhiều nơi, kỹ thuật tiêu hủy không bảo đảm, lợn bệnh được vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến nơi tiêu hủy bằng các phương tiện thô sơ nhưng không có bạt/nilon để lót, che đậy, dẫn đến các chất thải, phân lợn, các loại dịch tiết, thậm chí cả máu lợn rơi vãi ra môi trường; lực lượng tham gia giết hủy lợn chưa được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm giảm thiểu sự phát tán và lây lan mầm bệnh trong quá trình tiêu hủy; các phương tiện, dụng cụ, quần áo của người tham gia tiêu hủy lợn chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh, sát trùng tiêu diệt mầm bệnh, làm lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy cũng chậm và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu; phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh,... ông Tiến cho hay.

Bảo Phương