Trong giai đoạn Hội Nghị Thượng đỉnh Biến đổi khí hậu Paris COP21 cận kề, Việt Nam đã tham gia một số hoạt động quốc tề và đóng góp những ý kiến có ý nghĩa.
Theo nguồn tin chính thức từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, chiều ngày 09/11, tại Trụ sở Bộ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Minh Quang và Bộ trưởng Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch (MEF) Eva Kjer Hansen đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Diễn đàn Tăng trưởng Xanh toàn cầu (3GF).
Ảnh Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Diễn đàn Tăng trưởng Xanh toàn cầu (3GF). Ảnh: Nguồn Monre.gov.vn. |
Tại Lễ ký kết, thay mặt Chính phủ Đan Mạch, Bộ trưởng Eva Kjer Hansen chúc mừng Việt Nam đã chính thức tham gia Diễn đàn Tăng trưởng Xanh toàn cầu (3GF). Việc Việt Nam tham gia Diễn đàn sẽ đưa hợp tác Việt Nam và Đan Mạch phát triển lền tầm cao hợp tác toàn cầu. Bà Eva Kjer Hansen hy vọng, khi tham gia Diễn đàn 3GF, Việt Nam và Đan Mạch sẽ cùng hợp tác trong các sáng kiến mới về ứng phó với biển đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của hai nước.
Cũng trên diễn đàn của Lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã có bài phát biểu. Ông đưa ra nhận định: Việt Nam đã và đang tham gia sâu rộng vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập toàn diện thông qua việc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đàm phán và tham gia các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) như: FTA Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA Việt nam - Hàn Quốc... Ông cho rằng: Việc tham gia và trở thành đối tác chính thức sẽ đem lại lợi ích trên các lĩnh vực liên quan đến môi trường, phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, rằng “Thông qua các Diễn đàn đối thoại Doanh nghiệp và các đối thoại trong khuôn khổ 3GF, Việt Nam có thể hoàn thiện các chính sách của mình, từ đó có tác động tích cực, lan tỏa đến nền kinh tế - xã hội của Việt Nam.” –
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang mong muốn, sau Lễ ký kết Bản ghi nhớ, hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với 3GF sẽ được phát triển lên một tầm cao mới, chủ động hơn và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của 3GF cũng như kết nối với các Bộ ngành có liên quan của Việt Nam để triển khai các sáng kiến của 3GF tại Việt Nam.
Đồng thời, trong các ngày từ 8 đến 10/11/2015, Đoàn công tác của Bộ TN&MT và Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Trưởng ban công tác của Việt Nam về biến đổi khí hậu làm trưởng đoàn, đã tham dự Hội nghị tham vấn không chính thức cấp Bộ trưởng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, Pháp.
Đoàn Việt Nam gặp gỡ một số đoàn quốc tế. Ảnh: Nguồn Monre.gov.vn. |
Đây là cuộc họp quan trọng nhằm đánh giá tình hình đàm phán xây dựng Thoả thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau 2020; đồng thời tìm giải pháp cho những vấn đề còn nhiều khác biệt về quan điểm giữa các bên về nội dung dự thảo Thoả thuận 2015 và các văn bản có liên quan kể từ sau Phiên họp lần thứ 11 của Nhóm công tác về Định hướng Durban (ADP2.11) tại Bonn (Đức) cuối tháng 10 vừa qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Laurent Fabius, Chủ tịch Hội nghị COP21 sắp tới nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc rằng: cuộc Hội nghị không chính thức cấp Bộ trưởng lần này không đàm phán dự thảo Thỏa thuận 2015 mà thảo luận những vấn đề mang tính liên ngành nhằm tìm ra những điểm có thể thoả hiệp giữa các bên.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có lời phát biểu tại phiên khai mạc và nhấn mạnh: Việt Nam ủng hộ kết quả cân bằng giữa hai nhóm công việc của Nhóm công tác ADP về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu giai đoạn trước và sau 2020; đồng thời phối hợp với cả các bên để COP21 đi tới thành công.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà còn đề xuất: Thoả thuận sẽ được thông qua tại Paris sắp tới cần kèm theo lộ trình rõ ràng. Trong đó, các hành động mang tính tham vọng phải thực hiện ngay trước giai đoạn 2020, trên cơ sở trách nhiệm lịch sử và năng lực quốc gia, nhằm đảm bảo mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ này không quá 2 độ C và tránh tạo ra thêm bất cứ khoảng trống nào khiến cho biến đổi khí hậu trở nên nguy hiểm hơn.
Sau đó, trong lời phát biểu tại phiên họp nhóm theo các chủ đề, Thứ trưởng Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam đối với việc ứng phó biến đổi khí hậu. Để đảm bảo công bằng, trong Thoả thuận 2015 cần có sự phân biệt rõ giữa bên nước phát triển và nước đang phát triển do trách nhiệm lịch sử và năng lực khác nhau giữa các bên nước này. Sự phân biệt cần thể hiện trong tất cả các nội dung của Thoả thuận như Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Thích ứng, Tài chính, Phát triển và chuyển giao công nghệ, Tăng cường năng lực, Minh bạch trong Hành động và hỗ trợ.
Đề cập đến vấn đề Tài chính cho giai đoạn sau 2020, Việt Nam cho rằng, 100 tỷ USD là điểm khởi đầu cho việc huy động tài chính, sau đó “các bên cần phải có bước tiến trong đóng góp tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tài chính công phải đóng vai trò chủ đạo, các nguồn tài chính khác như đầu tư của khu vực tư nhân có thể xem xét là nguồn bổ sung. Về phân bổ nguồn tài chính cho các hành động ứng phó, cần có sự cân bằng giữa giảm nhẹ và thích ứng với tỷ lệ phân bổ là 50:50.
Việt Nam cho rằng, các phía cần thể hiện tham vọng của mình trong các hành động ứng phó (đối với các bên nước phát triển và đang phát triển) và hỗ trợ (đối với các bên nước phát triển) ngay từ giai đoạn trước 2020, trong đó các nước phát triển phải thể hiện vai trò đi đầu.
Việt Nam coi quá trình chuyển đổi theo hướng phát thải thấp trong bối cảnh phát triển bền vững là cơ hội để đạt được mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ này không quá 2 độ C. Nhưng quá trình này có thể diễn ra lâu hơn ở các nước đang phát triển và các nước này cần có sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực của các nước phát triển.
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản và Bộ trưởng, Trưởng đoàn một số nước tham dự Cơ chế tín chỉ chung (JCM) như Indonesia, Thái Lan, Bangladesh để kiểm điểm tình thực hiện và biện pháp thúc đẩy Cơ chế v.v…
Các lời nói, các thỏa thuận nói trên trên bàn hội nghị, trong các cuộc gặp gỡ chung và riêng là rất cần thiết. Nhưng sự thể hiện trong hành động cụ thể mới là quyết định.
Với tất cả mọi quốc gia trên Trái Đất này, trong đó có Việt Nam.
Minh Trần