Trong cả giai đoạn 2011-2016 tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam cũng chỉ 5,96%. 3 năm gần đây tăng trưởng cũng chỉ nhỉnh hơn 6% đôi chút. Nếu không có đột phá gì, Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010.
Không chủ quan với những kỷ lục
Ngày 11 và 12/1 tới đây, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ II. Những nội dung được bàn luận tại diễn đàn đều khá thời sự như điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017 với những thành công và thách thức. Đồng thời, đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018. Một nội dung đáng chú ý khác là thảo luận về những hạn chế của mô hình tăng trưởng hiện nay - làm thế nào để cải thiện năng suất?
Tất cả nhằm trả lời cho câu hỏi: Vấn đề mô hình tăng trưởng của Việt Nam - liệu có ổn định và bền vững?. Diễn đàn tổ chức trong bối cảnh khép lại năm 2017, nhiều con số ấn tượng, nhiều kỷ lục đã được thiết lập.
Đơn cử, vượt mục tiêu và mọi dự báo, GDP Việt Nam năm 2017 ước tính tăng 6,81%, là mức cao nhất trong 6 năm qua. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, chỉ tăng 3,53%.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam còn thấp so với tiềm năng |
Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2017 cao hơn nhiều so với các mức tăng của các năm từ 2011-2016. Trong đó, 3 năm 2012-2014, GDP đều dưới 6% và 3 năm còn lại, 2011, 2015, 2016 đều dưới 6,7%.
Nhiều số đo ấn tượng về sức khỏe nền kinh tế khác như dự trữ ngoại tệ, thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp khai sinh, chỉ số chứng khoán… cũng tiếp thêm cho 1 năm đầy hứng khởi của kinh tế Việt Nam.
Không phủ nhận thành tích năm 2017 song tại tọa đàm do Bizlive và VTV24 tổ chức cuối tuần qua, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cảnh báo không nên say sưa vì thắng lợi.
“Vấn đề đáng quan tâm là chất lượng. Đó là chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu”, ông Thiên nói.
Theo ông Trần Đình Thiên, cơ chế tăng trưởng, cơ cấu ngành, vùng còn chưa thay đổi được. Doanh nghiệp trong nước có nền tảng quan trọng bậc nhất nhưng còn yếu, đang cần cải cách. Kinh tế tư nhân tăng nhiều nhưng nhỏ bé, thiếu liên kết. Ngành tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán bùng lên nhưng nền tảng cấu trúc tài chính ngân hàng còn yếu.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam phục hồi rõ hơn, chứ chưa tăng trưởng bền vững và có tính lâu dài, chỉ là phục hồi tốt hơn, thể hiện ở tăng trưởng GDP cả ba năm qua là trên 6%.
Con số tăng trưởng dù đạt 6,81% trong năm 2017, nhưng đó không phải là vấn đề gì quá lớn lao với một đất nước như Việt Nam. Bởi, nếu chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm thì ước tính Việt Nam phải mất gần 20 năm nữa mới đạt mức thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2010 và hơn 10 năm nữa mới bằng Thái Lan năm 2010.
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Đây là thời điểm chúng ta phải đủ bản lĩnh để đưa nền kinh tế tăng tốc. Những nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan có những giai đoạn tăng trưởng đạt từ 8-9%. Và Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để chúng ta có thể duy trì tốc độ tương tự từ 8-9% trong 10 năm.
Cuối cùng vẫn là năng suất lao động
Một trong các lý do khiến tăng trưởng của Việt Nam thấp, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, là bởi năng suất lao động của Việt Nam còn quá khiêm tốn.
Đây cũng chính là chủ đề mà Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai tập trung thảo luận.
Năng suất lao động của Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước. |
Thực tế, với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam so với Singapore giảm từ 15,7 lần năm 2010 xuống còn 14,3 lần năm 2016; với Malaysia từ 6,6 lần xuống còn 5,7 lần, với Thái Lan từ 2,9 lần xuống còn 2,7.
“Nếu tình trạng này không cải thiện mạnh, Việt Nam khó có thể đuổi kịp và thu hẹp khoảng cách với các nước khác. Tăng trưởng GDP phải đạt 7%/năm hoặc cao hơn mới thu hẹp được khoảng cách về năng suất lao động và phát triển với các nước”, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ.
Ông Võ Trí Thành cho rằng: Câu chuyện cuối cùng vẫn là năng suất lao động. “Nhưng đằng sau câu chuyện tăng năng suất lao động là sự dịch chuyển nội ngành hay ngoài ngành. Hiện nay tăng trưởng của nông nghiệp là cao nhất. Lĩnh vực tăng trưởng năng suất cực thấp là dịch vụ. Những shop nhỏ nhỏ tăng năng suất lao động rất thấp, nhưng không phải lĩnh vực nào năng suất của Việt Nam cũng là thấp nhất. Một số ngành năng suất của Việt Nam ở mức trung bình của ASEAN, còn một số ngành có thể còn thấp hơn cả Lào”, ông Võ Trí Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: Năng suất lao động tổng hợp thì thấp nhưng còn có những ngành tương đối nhanh. Tôi có hỏi Samsung về 3 câu chuyện. Thứ nhất, đối với lao động bình thường chỉ học hết phổ thông, đào tạo 1-2 tháng. Tôi hỏi Tổng giám đốc Samsung Bắc Ninh về nhóm lao động phổ thông này ở Bắc Ninh so với Hàn Quốc thế nào. Họ trả lời sau một vài năm đạt được 80% năng suất lao động của Hàn Quốc. Điều đó lý giải vì sao Samsung lại đầu tư nhiều vào Việt Nam. Bởi vì năng suất bằng 80% nhưng tiền lương lại bằng 30%.
Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 ngày 13/12, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng cảnh báo: Việc năng suất lao động vẫn tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.
“Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore”, ông Ousmane Dione dự báo.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ II diễn ra trong 2 ngày, từ 11-12/1/2018. Cụ thể, sáng 11/1/2018 sẽ diễn ra Hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề "Kinh tế Việt Nam năm 2017 & Triển vọng cho năm 2018: Hướng tới phát triển nhanh và bền vững". Chiều cùng ngày sẽ diễn ra các phiên Hội thảo chuyên đề. Ngày thứ hai là Đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề "Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cho Việt Nam: Những thách thức và động lực mới". |
Hà Duy