Trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã vươn lên từ những tàn phá của chiến tranh để trở thành “Con Hổ châu Á mới”. Đất nước này đang nổi lên trở thành một trụ cột kinh tế và địa chiến lược của sự ổn định khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là “kiến trúc sư trưởng” đã gây dựng nên sự biến đổi sâu sắc và liên tục của Việt Nam. Nhờ đó, Ông ngày càng được thừa nhận là một chính khách cao cấp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong tờ “The Diplomat” (Nhà ngoại giao) số tuần này, Julio S. Amador III và Jeremie P. Credo đã nhận định rằng, để đương đầu với những điểm nóng khu vực, Việt Nam đã sử dụng cả biện pháp cứng rắn lẫn mềm mỏng.. Việt Nam đã lựa chọn biện pháp ngoại giao chủ động, đưa vấn đề ra quốc tế để đạt được sự ủng hộ của các nước khác; đồng thời tăng cường các mối quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những dự báo tích cực. Đầu tư nước ngoài tăng, lạm phát trong tầm kiểm soát, nền kinh tế đang mở cửa, nạn quan liêu đang được đẩy lùi, nạn tham nhũng đang được giải quyết, và hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đang được tái cơ cấu hoặc cổ phần hóa. Những điều này rõ ràng đang tạo dựng và tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư.
Sự lãnh đạo và tự do hóa thương mại của Việt Nam đang tác động tích cực đến các nước khác trong ASEAN. Khu vực ASEAN là điểm đến cho những nhà đầu tư đang săn tìm các cơ hội phát triển đa dạng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường hàng hóa yếu và bất ổn chính trị ở Đông Âu, Trung Đông và một số khu vực của châu Phi.
Ngân hàng Standard Chartered ở London gần đây báo cáo rằng Việt Nam là một trong những nước ASEAN có tỉ lệ phát triển vốn đầu tư nước ngoài cao nhất. GDP tăng 5,98% trong năm 2014, và lạm phát ổn định ở mức khoảng 3%, một sự tiến bộ vượt bậc so với mức hơn 18% đã đe dọa triển vọng kinh tế Việt Nam vào năm 2011.
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Điều này mở ra triển vọng thương mại và đầu tư mà đất nước này chưa từng được biết đến trước đó. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có vai trò quan trọng trong việc đàm phán để Việt Nam được gia nhập WTO, và hiện nay Chính phủ Việt Nam đang đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do, bao gồm hiệp định với Liên minh châu Âu, các đối tác xuyên Thái Bình Dương và Liên minh Hải quan.
Tự do hóa thương mại sẽ tiếp diễn. Trong tuần trước tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Các hiệp định này đòi hỏi chúng ta phải mở cửa hơn nữa để thị trường Việt Nam trở nên năng động và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải xây dựng một nền tảng pháp lý minh bạch để đảm bảo tính linh hoạt và sự liên kết với các thông lệ quốc tế trong thị trường địa phương.”
Các nhà phân tích cũng đồng tình với điều này. Trong một báo cáo phân tích tổng hợp được công bố trong tháng này, PricewaterhouseCoopers đưa ra dự báo về các nền kinh tế trên thế giới vào năm 2050. Theo tập đoàn này, nền kinh tế thế giới được dự đoán sẽ tăng trưởng với tỉ lệ trung bình hơn 3%/năm kể từ nay đến năm 2050, đạt giá trị gấp đôi vào năm 2032 và tăng gấp đôi lần nữa vào năm 2050. Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn trên thế giới.
Đôi khi sự thiếu kiên nhẫn cũng là một đức tính cần thiết. Nó thúc đẩy sự đổi mới. Nhưng đối với một số người, ngay cả sự thay đổi đáng kể ở Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh. Thách thức đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là làm sao để cân bằng khéo léo giữa tốc độ tự do hóa kinh tế, cải cách thể chế và sự ổn định chính trị. Sự cân bằng này chắc chắn chưa làm vừa lòng một số nhà phê bình, khi mà họ nhận định bước đi trong chính sách của Thủ tướng có thể là quá nhanh hoặc quá chậm.
Những nhà đầu tư khôn ngoan đã và đang đầu tư ổn định và ngày càng nhiều vào Việt Nam nhờ định hướng và sự lãnh đạo đúng đắn của Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều đó đã đem lại tăng trưởng kinh tế, sự thịnh vượng, và ổn định chính trị tại Việt Nam cũng như toàn khu vực. Vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được khẳng định. Ông đã và đang được công nhận là vị Nguyên thủ xuất sắc nhất trong khu vực quan trọng của thế giới - các nước Đông Nam Á.
Daniel D. Veniez