Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 9-11/2. (Nguồn: Hãng Maeil)

Về kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc-Việt Nam, Bộ trưởng đánh giá thế nào về chặng đường 30 năm qua của hai nước?

Quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đang trong thời kỳ phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, chúng ta đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực. Mối quan hệ tốt đẹp này luôn được duy trì, phát triển, kể cả trong những lúc khó khăn, tiêu biểu là thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Hai nước đã xây dựng được tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, quan hệ giữa hai nước, nhất là quan hệ thân tình, cởi mở giữa Lãnh đạo hai nước luôn được thúc đẩy, củng cố. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước ngày càng được tăng cường.

Nói cách khác, quan hệ hợp tác các kênh chính đảng, Nhà nước và nhân dân đều được thúc đẩy mạnh mẽ. Đó là những yếu tố quan trọng để đưa quan hệ hợp tác hai nước ngày càng gần gũi, mật thiết.

Quan hệ chính trị tốt đẹp đã tạo động lực để hai nước phát triển hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Trong nhiều năm, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột chính và là nguồn động lực chính thúc đẩy hợp tác chung giữa hai nước. Thương mại hai chiều năm 2021 đạt 78 tỷ USD, gấp hơn 150 lần so với thời điểm hai nước thiết lập quan hệ năm 1992.

Hợp tác đầu tư luôn được ưu tiên, trong nhiều năm, Hàn Quốc nắm giữ vị trí nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đạt gần 75 tỷ USD với hơn 9.200 dự án đang hoạt động; tăng hơn 700 lần so với năm 1992 về số vốn đăng ký.

Đáng chú ý là FDI Hàn Quốc vào Việt Nam cũng thay đổi theo từng thời kỳ rõ rệt, từ tập trung vào sản xuất, chế tạo trong những giai đoạn đầu từ năm 1992 đã chuyển thành đầu tư bất động sản vào những năm đầu 2000 và hiện nay đang dần tập trung đầu tư sản xuất trang thiết bị công nghệ tiến tiến như đồ điện tử, điện thoại di động, các dự án năng lượng sạch như nhà máy điện khí LNG, và gần đây đã có doanh nghiệp Hàn Quốc đăng ký đầu tư dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam.

Nhiều người đánh giá rằng hiếm có người dân ở đâu hiểu nhau như người dân Việt Nam và Hàn Quốc. Đó là bởi hai nước có nhiều điểm đồng về lịch sử, văn hóa Nho giáo, chúng ta dễ dàng hiểu phong tục, tập quán của nhau, điều đó khiến chúng ta cảm thấy gần gũi nhau hơn.

Hiện nay, kimchi đã trở thành món ăn quen thuộc trên mâm cơm Việt Nam và người Hàn Quốc không còn lạ lẫm với món nem của Việt Nam, hay nhà hàng bulgogi của Hàn Quốc đã trở nên thân quen trong các thành phố của Việt Nam tương tự như phở có mặt khắp nơi tại Hàn Quốc.

Ở Việt Nam và Hàn Quốc, không hiếm khi thấy tà áo dài Việt Nam sánh đôi với bộ hanbok của Hàn Quốc.

Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng sâu đậm, giao lưu ngày càng nhộn nhịp với khoảng 20 vạn công dân mỗi nước đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước kia. Trước khi Covid-19 bùng phát, có khoảng 5 triệu lượt người qua lại giữa hai nước trong năm 2019 và mỗi tháng có hàng nghìn chuyến bay thẳng giữa hai nước.

Duy trì ổn định, thúc đẩy hợp tác để phát triển là mục tiêu chiến lược chung của hai nước chúng ta. Do vậy, ngoài các vấn đề song phương, hai nước luôn tích cực phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là vấn đề chống biến đổi khí hậu, duy trì hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) và các cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN +3, Mekong - Hàn Quốc, Diễn đàn Khu vực (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Trong hơn 30 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa hai nước phát triển với tốc độ nhanh. Trong 30 năm tiếp theo, theo Bộ trưởng đâu là cơ hội và thách thức?

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển vững chắc và tốt đẹp ở tất cả các lĩnh vực với rất nhiều thành tựu quan trọng.

Năm 2022 sẽ là năm mở ra một trang 30 năm phát triển mới cho quan hệ hai nước với những thành tựu toàn diện và quan trọng hơn. Tôi cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục là trụ cột chính trong tổng thể quan hệ hợp tác hai nước và tôi tin tưởng rằng hai nước sẽ sớm đạt được mục tiêu 100 tỷ USD thương mại hai chiều vào năm 2023 và 150 tỷ vào năm 2030 song song với việc cải thiện cơ bản mất cân bằng cán cân thương mại, hàng xuất khẩu của Việt Nam có mặt khắp nơi trên các kệ hàng tại Hàn Quốc cũng như trong mạng lưới cung cấp phạm vi toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Như tôi đã nêu ở trên, thời gian qua chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức và những thách thức đó vẫn sẽ tồn tại trong thời gian tới. Đó là những thách thức chủ quan như trình độ phát triển, cơ chế vận hành, tư duy thực hiện, tầm nhìn tương lai hay những thách thức khách quan về tình hình an ninh thế giới và khu vực, tình trạng dịch bệnh, mức độ biến đổi của khí hậu tác động.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, chúng ta cần dành cho nhau nhiều sự quan tâm, ủng hộ hơn nữa, xử lý sớm các vấn đề tồn tại, kịp thời xử lý mọi vấn đề phát sinh. Để làm được như vậy, ngoài sự ủng hộ lẫn nhau, chúng ta cần có cơ chế phối hợp linh hoạt ở các cấp, các mô hình như cách chúng ta đã từng xử lý thời kỳ đại dịch Covid-19 vừa qua, kể cả ở cấp cao.

Chúng ta cần nghiên cứu, có nhiều sáng kiến để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thông qua các dự án mới, lĩnh vực đầu tư mới, những mặt hàng xuất nhập khẩu mới như hợp tác sản xuất, xuất khẩu dung dịch xử lý khí thải dầu diesel, nguyên liệu thân thiện môi trường, hay hợp tác về công nghệ cao như bán dẫn, hay công nghệ và know-how trong y tế dự phòng. Song song với việc thúc đẩy hợp tác sản xuất là việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ mũi nhọn và đào tạo, từ ngành nghề đơn giản đến công nghệ tiên tiến tại các trung tâm nghiên cứu hiện đại của hai nước.

Mức độ phụ thuộc vào nhau giữa hai nước hiện ngày càng cao và thành công của nước này sẽ giúp nước kia vững bước trên con đường phát triển. Việc hai nước thúc đẩy hợp tác theo hướng bền vững, cộng sinh, cùng thắng với tin cậy ngày càng cao sẽ giúp hai nước cùng phồn vinh, thịnh vượng. Cùng với nỗ lực của hai bên, tôi tin là chúng ta sẽ sớm chứng kiến những thay đổi quan trọng đó.

Việt Nam được người Hàn Quốc đánh giá là một đất nước trẻ trung và năng động. Bộ trưởng đánh giá thế nào về Hàn Quốc? và Hàn Quốc cần làm gì để đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam?

Cũng như Việt Nam, Hàn Quốc là đất nước trẻ trung, năng động, người dân cần cù và luôn mang theo mình hoài bão xây dựng một cuộc sống tươi đẹp, đưa đất nước mình thành quốc gia có vị thế trên thế giới.

Từ đầu những năm 2000, không để bị bó hẹp trong những câu chuyện về kỳ tích sông Hàn, Hàn Quốc đã đề ra mục tiêu xây dựng một hình ảnh Hàn Quốc năng động với khẩu hiệu “Dynamic Korea” để thể hiện quyết tâm tạo đột phá trong quá trình phát triển đất nước và đến nay, Hàn Quốc đã cơ bản đạt được mục tiêu đó, trở thành một đất nước điển hình về năng động và thịnh vượng, cường quốc đi đầu trong mọi lĩnh vực về kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, đối ngoại.

Sự năng động của Hàn Quốc thể hiện rõ nét nhất trong thời gian gần đây qua những kết quả quan trọng đạt được trong việc thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phòng chống đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Cách đây 30 năm, với tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã bắt tay nhau, thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một trang sử phát triển mới cho quan hệ hai nước. Chúng ta biết quyết định khi đó là đúng đắn khi nhìn những thành quả hợp tác, phát triển của quan hệ hai nước ngày nay. Ngày nay, chúng ta không chỉ là đối tác hợp tác hữu nghị thuần túy mà đã trở thành đối tác hợp tác chiến lược của nhau.

Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng hai nước. Vẫn còn rất nhiều dư địa để mở ra một giai đoạn 30 năm hợp tác phát triển mới với nhiều thành quả to lớn hơn nữa. Hai nước cần nâng tầm quan hệ, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với nhau, vì lợi ích hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Để làm được việc đó, trước hết chúng ta cần củng cố tin cậy chính trị, triển khai thường xuyên các hoạt động giao lưu ở cấp cao và các cấp, đồng thời, làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác về an ninh, quốc phòng; tiếp tục coi hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ là trụ cột quan trọng, dành nhiều ưu tiên thúc đẩy, nhất là về đầu tư trực tiếp, thương mại và chuyển giao công nghệ; coi thúc đẩy hợp tác giáo dục, giao lưu văn hóa, nhân dân là biện pháp quan trọng giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Chúng ta cần cùng nghiên cứu và nắm bắt cơ hội, xu thế trong thời đại mới nhằm xúc tiến hợp tác trong các lĩnh vực giàu tiềm năng, điển hình là lĩnh vực chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh truyền nhiễm…, hiểu hơn về nhu cầu của nhau và dành cho nhau nhiều sự ủng hộ hơn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Tôi tin rằng, trên cơ sở nền tảng sẵn có, quan hệ hợp tác hai nước sẽ phát triển hiệu quả, thực chất, giúp cho hai nước cùng phát triển và nâng cao vị thế quốc tế của mình.

Mối quan hệ song phương giữa hai nước đã giúp Việt Nam như thế nào kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát? Làm thế nào để chúng ta hợp tác để đối phó với các rủi ro dịch bệnh trong tương lai?

Hai nước chúng ta đều có câu “Lúc gian nan mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới biết bạn là ai”. Tôi muốn khẳng định ngay rằng chúng ta là những người bạn thật sự của nhau, nhất là nhìn vào những gì chúng ta đã làm vì nhau trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Dịch bệnh Covid-19 đã gây đảo lộn mọi mặt của cuộc sống, từ chính trị, kinh tế, xã hội đến đối ngoại, đặt ra thách thức chưa từng có đối với mỗi nước cũng như quan hệ hợp tác hai nước. Tuy nhiên, bất chấp tình hình đó, trong khả năng của mình, hai nước đã dành cho nhau nhiều sự hỗ trợ hiệu quả, kịp thời trong công tác phòng chống dịch và duy trì các hoạt động kinh tế.

Hai nước duy trì hiệu quả các hình thức trao đổi, từ điện đàm, trao đổi trực tuyến đến gặp gỡ trực tiếp giữa Lãnh đạo cấp cao, bộ ngành, địa phương hai nước qua các chuyến thăm song phương cũng như nhân dịp dự các hoạt động đa phương, qua đó luôn nắm bắt được tình hình hợp tác, nhu cầu của nhau.

Ngay từ sớm, trong lúc còn gặp nhiều khó khăn trong nước nhưng Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam nhiều trang thiết bị y tế và vaccine phòng dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam tại Hàn Quốc được tiêm vaccine. Đồng thời, các công dân và doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng tích cực tham gia và ủng hộ vào công tác phòng dịch của chính quyền trung ương và địa phương; Việt Nam là đối tác đầu tiên tiếp nhận hỗ trợ vaccine theo kênh song phương của Chính phủ Hàn Quốc.

Việt Nam tạo điều kiện cho hàng chục nghìn nhân sự doanh nghiệp, chuyên gia Hàn Quốc nhập cảnh Việt Nam để duy trì hoạt động kinh tế tại Việt Nam. Chính phủ hai nước tạo điều kiện để các địa phương duy trì hợp tác. Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 11/2021, hai bên đã ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội. Lần đầu tiên Việt Nam ký Hiệp định này với đối tác nước ngoài và Hàn Quốc là đối tác đầu tiên.

Đại dịch nào rồi cũng qua đi nhưng Covid-19 sẽ mãi lưu lại dấu ấn trong lịch sử thế giới với tư cách là một cột mốc cảnh báo nhân loại về khả năng tàn phá khốc liệt của các bệnh dịch truyền nhiễm trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều hậu quả nặng nề nhưng cũng khiến cho chúng ta thức tỉnh, nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc hợp tác phòng chống dịch, hướng tới đảm bảo hơn nữa an toàn về sức khỏe, tính mạnh người dân.

Xuất phát từ nhận thức đó, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến lấy ngày 27/12 là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Đại dịch Covid-19 cũng đã tạo ra nhiều cơ hội hợp tác mới về y tế giữa hai nước trong thời gian tới.

Do đó, hai nước chúng ta cần xúc tiến hợp tác hiệu quả, thực chất hơn nữa trong công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc chữa trị Covid-19, trong đó có việc Hàn Quốc thúc đẩy dự án xây dựng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại Việt Nam bằng nguồn vốn EDCF.

Theo Báo TG&VN