Bốn mươi năm trước, thế giới lần đầu tiên có một khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia khi hành xử trên biển. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được ký ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực ngày 16/11/1994, là kết quả của hơn 4 năm chuẩn bị và 9 năm đàm phán.
Việt Nam nằm trong số 107 quốc gia đầu tiên tham gia ký thỏa thuận quan trọng này tại Vịnh Montego, Jamaica. Số lượng quốc gia ký Công ước vào thời điểm đó, theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, là “điều chưa từng có.”
Bốn mươi năm sau, số thành viên tham gia UNCLOS 1982 đã là 168 quốc gia, trong đó có 164 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Ngoài ra còn có 14 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã ký nhưng chưa phê chuẩn.
Như vậy, UNCLOS 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất, sau Hiến chương Liên hợp quốc, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Công ước được coi là bản “Hiến pháp của đại dương,” là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ trật tự trên biển và đại dương.
Là văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, gồm 320 điều khoản và 9 phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật, UNCLOS chứa đựng toàn bộ các quy định liên quan đến các vùng biển mà một quốc gia ven biển có quyền được hưởng, những quy định liên quan đến việc sử dụng, khai thác biển và đại dương, từ quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đến chế độ pháp lý đối với biển cả và các vùng di sản chung của loài người; từ việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển đến bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển…
Đình Thành, Thành Huế, Anh Dũng