Đức luôn coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh và có sức hấp dẫn về thu hút đầu tư. Trong 3 quý đầu năm 2020, Đức có 370 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 2 tỷ USD; đứng thứ 4 trong các quốc gia thành viên EU, sau Hà Lan, Anh và Pháp; đứng thứ 18 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Các doanh nghiệp Đức cho rằng, rủi ro lớn nhất mà họ đang gặp phải là giá nguyên liệu thô tăng cao, sau đó là giá năng lượng và sự thiếu hụt lao động tay nghề, xung đột Nga-Ukraine gây ra các tác động tiêu cực về kinh tế. Cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics đã dẫn đến những thay đổi trong hoạt động đầu tư kinh doanh quốc tế của họ.
Khi tham gia đầu tư tại Việt Nam, mối lo ngại trên khiến các doanh nghiệp Đức không khỏi bận tâm.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, được thực hiện bởi mạng lưới các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức toàn cầu, có tới 3/4 doanh nghiệp Đức cho rằng, giá nguyên - nhiên - vật liệu, giá năng lượng, thiếu hụt lao động có tay nghề cao sẽ là rủi ro lớn nhất, thách thức sự phát triển của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong 12 tháng tới.
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý 1/2022, giá thép xây dựng ở Việt Nam có xu hướng tăng mạnh theo xu thế tăng chung của thị trường thép toàn cầu. Việc tăng giá vật liệu xây dựng khiến giá nhà ở, công trình xây dựng tăng.
Cụ thể, từ giữa tháng Hai đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã bắt đầu tăng mạnh (khoảng từ 600.000-1,2 triệu đồng/tấn). Tính đến giữa tháng Ba, giá thép lần lượt tăng so với giá tại thời điểm tháng Hai và tháng Một là 3,5% và 7,5%. Sang đầu tháng Tư, giá thép xây dựng vẫn chưa “hạ nhiệt.”
Tương tự, về thị trường xi măng, dù dư cung nhưng do áp lực giá nguyên liệu đầu vào như điện, vỏ bao, xăng dầu, nhất là than nên giá xi măng vẫn tăng từ 30.000-50.000 đồng/tấn so với quý 4/2021 (tăng 1-3% so với quý 4/2021 và tăng 11-15% so với cùng kỳ năm 2021). Dự báo thời gian tới các loại vật liệu này sẽ còn tăng giá.
Việt Nam cũng phải đối diện với thách thức về thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao, có một khoảng cách lớn giữa đào tạo lao động và nhu cầu tuyển dụng. Vì vậy, cần có lực lượng lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thích ứng với những thay đổi và thách thức của thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, dù kinh tế Việt Nam không nằm ngoài khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng theo khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam, có 93% doanh nghiệp Đức vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam, nhân tố quan trọng trong dòng dịch chuyển thương mại quốc tế có lợi thế nằm trong 4 nước ASEAN tham gia vào Hiệp định CPTPP và một trong hai nước có FTA với EU.
Ngọc Cương
Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết doanh nghiệp gặp khó nhưng cũng có những doanh nghiệp hưởng lợi khi những xu hướng kinh doanh tiêu dùng mới xuất hiện.