- Lào, Campuchia, Myanmar... đang nổi lên là những đối thủ cạnh tranh mới của Việt Nam. Dưới con mắt của các nhà đầu tư quốc tế, đang có nhiều cảnh báo cho Việt Nam từ sự tiến bộ của những đối thủ này.

Đây là kết quả cuộc khảo sát 1.609 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USS) công bố mới đây.

Nhiều đối thủ mới

Năm 2013, có 54% DN FDI trước khi chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanma... Trong khi đó, con số này của năm 2011 và 2012, chỉ là 32%.

Đây là một chỉ báo quan trọng về thứ hạng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam không còn là điểm đến ưu ái nhất với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010, mà hiện giờ đang phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và 1 số nước mới nổi.

Ba "gương mặt" trước đây chưa từng được coi là "đối thủ" cạnh tranh về thu hút đầu tư với Việt Nam là Lào, Philippines và Myanma đã xuất hiện trong danh mục quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài", bản báo cáo cho biết.

{keywords}

Việt Nam được đánh giá khá tốt về rủi ro thu hồi tài sản, về độ ổn định chính sách và có mức thuế thấp.

Việt Nam có những thế mạnh được đánh giá khá tốt so với các nước trong khu vực, cụ thể như về rủi ro thu hồi tài sản, về độ ổn định chính sách và có mức thuế thấp.

Có 64%số DN FDI tham gia khảo sát cho biết hộ yên tâm không lo bị rủi ro về thu hồi tài sản. Đặc biệt là sự hài lòng về mức thuế của các nhà đầu tư tại Việt Nam là điều đáng ngạc nhiên. Mức thuế GTGT 10% và thu nhập DN 23% của Việt Nam tương đối ngang bằng nhiều đối thủ, trong khi Trung Quốc, Malaisia, Indonesia có thuế thu nhập DN 25%, Philippine 30%, mặc dù vậy vẫn cao hơn Thái Lan hiện 18% và Đài Loan 17%.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều điểm yếu so với các nền kinh tế là đối thủ như: gánh nặng chi phí không chính thức, thủ tục hành chính, quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công và chất lượng cơ sở hạ tầng.

Các nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với Campuchia và Lào, song tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật còn bị đánh giá thấp hơn 2 quốc gia láng giềng này. VCCI nhận định, tham nhũng đang làm hủy hoại sự tôn trọng của DN đối với pháp luật. Bởi người dân và DN thường liên tưởng việc phải tuân thủ pháp luật là bị đòi hối lộ, hơn là vì lợi ích chung của xã hội.

Những cảnh báo đối thủ mới nổi

Cho đến nay, sự cạnh tranh từ các đối thủ mới nổi như Lào, Campuchia không còn là cảnh báo. Đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam mới đây đã thừa nhận ngành du lịch Việt Nam so với Lào, Campuchia thì quảng bá yếu hơn. Vì thế, dù đạt lượng khách quốc tế cao hơn Lào, Campuchia nhưng tốc độ tăng trưởng khách của VN thấp hơn. Đến nay chưa có công ty du lịch Việt Nam nào đặt văn phòng ở nước ngoài.

{keywords}

Nhiều ý kiến còn chỉ ra rằng, du lịch Việt Nam thời gian qua đã không biết tận dụng nhiều sự kiện, cơ hội để quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp của đất nước, trong khi đó thì để nạn chặt chém, chèo kéo tiếp diễn... điều này Campuchia và Lào làm tốt hơn.

Với giáo dục, Việt Nam cũng bị xếp hạng dưới Campuchia về tính hiệu quả. Theo Báo cáo về Tính Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được công bố vào đầu tháng 9/2013,về giáo dục, WEF ghi nhận Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam lần lượt đứng đầu trong khi Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7.

Ngay cả sản xuất lúa gạo vốn là ngành thế mạnh của Việt Nam thì có nhiều dấu hiệu cảnh báo thua kém Campuchia. Hiện nay Campuchia đã đi vào quy hoạch vùng nguyên liệu và có nhà máy để sản xuất gạo có chất lượng tốt.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, các công ty Campuchia mới xuất khẩu chỉ vài chục ngàn tấn chứ không lên đến hàng trăm ngàn tấn như Việt Nam nhưng họ làm có chất lượng và những sản phẩm có thương hiệu. Ngược lại, các DN Việt Nam chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Chỉ mua lúa thông qua thương lái thì không thể xây dựng thương hiệu được. Không có thương hiệu sẽ là thách thức lớn đối với gạo Việt Nam.

Tiến sỹ Alan Phan cho biết, bản thân ông vẫn ngạc nhiên trước sự hoàn thành chiếc xe Angkor EV của Campuchia. Chiếc xe có giá bán là 5 ngàn USD tức là giá sản xuất khoảng chừng 4 ngàn USD hay thấp hơn. Giá rất sát với những hãng xe sản xuất theo dây chuyền dù các công ty lớn có lợi thế về giá mua linh kiện rẻ và những yếu tố nội tại nhờ tổ chức toàn cầu.

Ông nhận định, giá thành sản xuất trên cũng cho thấy phí bôi trơn tại Campuchia không trên 5%; quá lý tưởng cho những món hàng tiêu dùng và phổ thông. Và điều này đến nay lại càng được khẳng định khi các DN FDI tại Việt Nam cho biết tham nhũng của Campuchia thấp hơn Việt Nam.

Trong khi đó Việt Nam đến nay đã trải qua hơn 20 năm phát triển công nghiệp ô tô nhưng vẫn chưa có sản phẩm nào đạt trình độ đi tắt đón đầu như của Campuchia (Chiếc xe chạy điện được điều khiển từ xa bằng điện thoại di động. Mẫu xe này đến nay chỉ được phát triển ở các nước phát triển và được cho là xu hướng của công nghiệp ô tô trong tương lai).

Trần Thủy