Theo công bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong hai năm 2019 và 2020, hơn 100.000 hệ thống điện Mặt Trời trên mái nhà đã được lắp đặt tại Việt Nam.
Trong khi điện Mặt Trời đạt mức phủ rộng lớn nhất tại Việt Nam, công suất điện gió được lắp đặt cũng tăng nhanh. Vào cuối năm 2020, công suất điện gió lắp đặt đạt 600 MW, chỉ sau Thái Lan (1.507 MW) trong số các nước ASEAN.
Tính đến hết ngày 3/8, đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại.
Tỷ trọng năng lượng Mặt Trời và gió trong cơ cấu điện ở Việt Nam trong năm 2020 tăng cao hơn nhiều so với tốc độ đạt được ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và trên toàn thế giới. Ảnh minh họa. |
TTXVN vừa cho hay, một nghiên cứu mới được các chuyên gia quốc tế thuộc chương trình nghiên cứu trọng điểm về năng lượng tái tạo thuộc Đại học Quốc gia Australia, Trung tâm Năng lượng ASEAN, Viện Ngoại giao Na Uy và Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thực hiện cho thấy tỷ trọng năng lượng Mặt Trời và gió trong cơ cấu điện ở Việt Nam trong năm 2020 tăng cao hơn nhiều so với tốc độ đạt được ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và trên toàn thế giới.
Báo cáo nghiên cứu cũng cho hay, năm 2020, tốc độ tăng trưởng công suất điện gió tính theo năm của Việt Nam là 70%, trong khi các nước ASEAN khác không mở rộng công suất điện gió.
Việt Nam cũng là quốc gia có quy hoạch phát triển điện gió sôi nổi nhất trong khu vực ASEAN, với mục tiêu dự kiến là 11.800 MW công suất điện gió vào năm 2025. Trong khi đó, mục tiêu của Thái Lan và Philippines lần lượt là khoảng 3.000 MW vào năm 2036 và 2.378 MW vào năm 2030.
Hồ Nhụy