Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ ngày 29/6 tổ chức hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 13 về Biển Đông tại Thủ đô Washington (Hoa Kỳ). Sự kiện có sự tham dự của nhiều học giả Mỹ và quốc tế, các nhà hoạch định chính sách, nhiều cán bộ thuộc bộ ngoại giao và quốc phòng Mỹ.

W-biendong.png
Ảnh minh hoạ

Các nội dung thảo luận bao gồm hiện trạng ở Biển Đông, các vấn đề pháp lý và quản lý tranh chấp, các mạng lưới liên minh, và vai trò của các bên ở ngoài như nhóm Bộ Tứ, liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh, và Australia (AUKUS), và châu Âu.

Phát biểu tại sự kiện, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink nhấn mạnh chính sách của Mỹ tại biển Đông là hỗ trợ mọi quốc gia thực hiện chủ quyền và theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.

"Chúng tôi tin rằng mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ những luật chơi như nhau. Các nước lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ. Duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần của tầm nhìn lớn hơn của Mỹ về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác và đồng minh trong khu vực và trên thế giới để đảm bảo rằng bầu trời và biển của chúng ta được quản trị và sử dụng theo luật pháp quốc tế và trên cơ sở tôn trọng lĩnh vực hàng hải dựa trên luật lệ” - ông Daniel Kritenbrink nói.

Thảo luận tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông, Giám đốc Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh, quan điểm của Việt Nam là sẵn sàng giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình để qua đó góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. 

Văn Thường và nhóm PV, BTV