Bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT) cho biết, Việt Nam sẽ đóng góp thúc đẩy lợi ích chung của các nước thành viên UPU. |
Mới đây, Việt Nam tham gia và hoàn thành các mục tiêu đặt ra tại Đại hội UPU lần thứ 27 và lần đầu tiên Việt Nam trở thành Thành viên của Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC). Bà có thể cho biết những khó khăn và thách thức nào Việt Nam đã gặp trong quá trình chuẩn bị và tham gia Đại hội lần này trong bối cảnh đại dịch Covid đang ảnh hưởng trên toàn cầu?
- Bà Trần Thanh Hà: Bộ TT&TT đã có kế hoạch chuẩn bị cho việc tham gia Đại hội của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) lần thứ 27 rất sớm, bao gồm việc quyết định chủ trương tham gia ứng cử vị trí Thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính UPU, và nghiên cứu chuẩn bị nội dung tham gia Đại hội. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra trên thế giới đã làm thay đổi kế hoạch triển khai của UPU và các nước thành viên. Từ đây, nhiều khó khăn và thách thức cũng xuất hiện trong quá trình triển khai các hoạt động chuẩn bị và tham gia.
Với tư cách là Thành viên Hội đồng điều hành UPU nhiệm kỳ 2016 – 2020, Việt Nam đã liên tục tham gia các Kỳ họp định kỳ cũng như Kỳ họp bất thường của Hội đồng này và các Nhóm công tác của Hội đồng trong suốt thời gian qua cho đến trước thềm Đại hội để cùng các nước Thành viên Hội đồng bàn và thống nhất về hoạt động của Liên minh và cách thức tổ chức Đại hội UPU lần thứ 27. Do chênh lệch múi giờ, cũng như có nhiều nội dung phức tạp, trục trặc kỹ thuật khi kết nối của các nước dự họp mà các cuộc họp này thường kéo dài và chúng tôi thường xuyên có các cuộc họp xuyên đêm. Trong suốt ba tuần Đại hội diễn ra vừa qua, đoàn Việt Nam tham dự trực tuyến từ Việt Nam cũng liên tục họp xuyên đêm như vậy.
Ngay đối với việc UPU quyết định gấp rút việc tổ chức Đại hội trước một tháng cũng là một thách thức không nhỏ về mặt triển khai các thủ tục trong nước và quốc tế đối với Việt Nam. Do lần đầu tiên UPU tổ chức Đại hội theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp nên một số thủ tục, thể thức mới được đưa ra và yêu cầu các nước thành viên phải hoàn thành trong thời gian ngắn. Được sự phối hợp tích cực của các cơ quan liên quan trong quá trình này nên đoàn Việt Nam tham dự đã kịp và có đủ các thẩm quyền tham gia và ký kết văn kiện sửa đổi bổ sung của Đại hội.
Việc triển khai công tác ứng cử và vận động cho vị trí ứng cử của Việt Nam gặp nhiều thách thức. Thách thức từ nhiều mặt: Việt Nam lần đầu tiên ứng cử vào Hội đồng Khai thác Bưu chính; vị trí ứng cử có nhiều ứng cử viên mạnh trong khu vực; không gặp gỡ trực tiếp để vận động theo cách thức thông thường khi không có dịch bệnh; số ứng cử viên tăng lên đột biến; … Mọi cuộc bầu cử đều có nhiều vấn đề phải giải quyết và luôn có những phát sinh, vì vậy, chúng tôi có nhiều lo lắng và cần phải tìm giải pháp để giải quyết các khó khăn, thách thức. Thật vui là Việt Nam đã thành công trong cuộc bầu cử này để trở thành Thành viên của Hội đồng Khai thác Bưu chính. Những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua đã được đền đáp bằng thành quả xứng đáng.
Tại sao Việt Nam lại vận động để làm thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính (POC) của UPU nhiệm kỳ 2022-2025 thưa bà?
- Khi trở thành Thành viên của Hội đồng Khai thác Bưu chính UPU nhiệm kỳ đầu tiên này, Việt Nam cũng vừa kết thúc hai nhiệm kỳ liên tiếp là Thành viên của Hội đồng Điều hành UPU. Trước năm kết thúc nhiệm kỳ, chúng tôi đã trăn trở việc tiếp tục tham gia sâu vào các hoạt động chuyên môn của UPU như thế nào, đồng thời tiếp nối sự hiện diện của Việt Nam tại các vị trí quan trọng của UPU. Đó chính là việc cần phải trở thành Thành viên của Hội đồng Khai thác Bưu chính. Việc tham gia là thành viên của Hội đồng Khai thác Bưu chính của UPU sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam trong việc nâng cao vị thế của Bưu chính Việt Nam; tham gia và đóng góp trực tiếp vào tiến trình xây dựng các chính sách nghiệp vụ bưu chính quốc tế để đảm bảo quyền lợi cho các nước đang phát triển; tiếp cận nhiều nguồn thông tin từ Hội đồng để phục vụ cho việc triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động bưu chính của Việt Nam; mở rộng hơn nữa hợp tác với các đối tác để tiếp cận nguồn lực; tiếp tục đổi mới mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng mạng lưới và dịch vụ bưu chính.
Chính vì vậy, mặc dù nhận định việc ứng cử vào Hội đồng Khai thác Bưu chính UPU là một nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức vì tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt cạnh tranh gay gắt tại khu vực Nam Á và châu Đại dương, nhưng với quyết tâm cao, Bộ TT&TT đã quyết định chủ trương ứng cử vào vị trí này. Thực hiện thành công được nhiệm vụ này, chúng ta sẽ đồng bộ việc thúc đẩy sự phát triển bưu chính trong nước cũng như nâng cao vị thế của bưu chính Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng thời, việc Việt Nam tăng cường tham gia và có các vị trí tại các tổ chức quốc tế, mà cụ thể ở đây là tại Liên minh Bưu chính Thế giới càng khẳng định hơn nữa việc triển khai đường lối nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy đối ngoại đa phương, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Việc ứng cử và trúng cử vào Thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính là hành động cụ thể của Bộ TT&TT trong việc triển khai chủ trương nêu trên của Đảng và Nhà nước.
Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất chất lượng tại các cuộc họp và diễn đàn của UPU cũng như các diễn đàn liên quan khác ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và tại Đại hội UPU. |
Quá trình vận động này được chúng ta triển khai như thế nào thưa bà?
- Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, Bộ TT&TT đã bắt đầu triển khai các hoạt động ứng cử và trong thời gian qua đã tiến hành vận động thông qua các hoạt động song phương, cũng như tại các diễn đàn đa phương chuyên ngành bưu chính và các kênh đa phương thông tin truyền thông khác. Để thể hiện năng lực và sự tích cực của Việt Nam và để giành được sự ủng hộ của các thành viên UPU, các đơn vị của Bộ đã nghiên cứu xây dựng các quan điểm và các đề xuất chất lượng của Việt Nam tại các cuộc họp và diễn đàn của UPU cũng như các diễn đàn liên quan khác ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và tại Đại hội UPU.
Với đặc thù của lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT tham gia nhiều các tổ chức quốc tế chuyên ngành. Từ kinh nghiệm tham gia các cuộc bầu cử tại các tổ chức quốc tế này, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thiết kế các nội dung và hình ảnh để quảng bá về hình ảnh đất nước con người Việt Nam và bưu chính Việt Nam năng động và phát triển để chuyển tải các thông điệp tích cực tới các thành viên UPU. Chúng tôi cũng tiến hành công tác vận động ứng cử ở kênh chuyên ngành. Song song với việc này, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để chuẩn bị tốt các hình thức và hoạt động vận động trước và trong khi diễn ra Đại hội cho việc ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Khai thác Bưu chính. Việc vận động qua kênh ngoại giao cho hiệu quả cao, góp phần gia tăng nhiều sự ủng hộ của các nước đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công tác vận động ứng cử của Việt Nam cũng phải điều chỉnh để thích ứng với những khó khăn và bất cập do dịch bệnh gây ra.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều nước không thể cử đoàn sang Bờ Biển Ngà để tham dự trực tiếp do việc di chuyển trên thế giới rất khó khăn. Tuy nhiên, khi nhận định tình hình thực tế Đại hội UPU lần này, theo đề xuất của Bộ TT&TT với sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã có quyết định nhanh và kịp thời việc cử Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva tham dự trực tiếp Đại hội. Việc Việt Nam hiện diện trực tiếp tại Đại hội đã giúp cho các hoạt động vận động tại chỗ được hiệu quả cao nhất.
Với vị trí mới Việt Nam sẽ đóng góp gì cho UPU nói chung và Việt Nam nói riêng thưa bà?
- Hội đồng Khai thác Bưu chính UPU là cơ quan chịu trách nhiệm những vấn đề kỹ thuật, thương mại và kinh tế liên quan đến nghiệp vụ bưu chính. Trong bối cảnh tốc độ phát triển nhanh của thị trường bưu chính toàn cầu, đặc biệt là thương mại điện tử, Hội đồng Khai thác Bưu chính có nhiều nội dung cần phải triển khai, trước hết là việc thực thi Chiến lược Bưu chính Thế giới Abidjan và Kế hoạch kinh doanh Bưu chính Thế giới Abidjan, giải quyết các vấn đề để tiếp tục đổi mới hệ thống thanh toán thù lao, triển khai kế hoạch tích hợp sản phẩm, vấn đề tài chính bưu chính toàn diện, …
Sau khi trúng cử, tại Cuộc họp trù bị của Hội đồng nhiệm kỳ mới ngay sau đó, Việt Nam đã được các nước tín nhiệm bầu vào vị trí đồng Chủ tịch Ủy ban về dịch vụ tài chính bưu chính (một trong bốn Ủy ban chuyên môn của Hội đồng). Đây vừa là một vinh dự, cũng vừa là thách thức đối với Việt Nam trong nhiệm kỳ 2022-2025. Để hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ tại Hội đồng, Việt Nam, đặc biệt là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, sẽ phải chuẩn bị tốt nhân lực và nguồn lực để tiếp tục đổi mới phát triển, thể hiện vị thế của Việt Nam và có các đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng chính sách về nghiệp vụ bưu chính quốc tế, đề xuất ý tưởng để cùng các thành viên tìm ra các giải pháp đẩy mạnh triển khai hiệu quả chiến lược của UPU, cũng như giải quyết các vấn đề cấp thiết của UPU.
Để thúc đẩy sự tham gia có hiệu quả của Việt Nam với tư cách thành viên POC, Bộ TT&TT là cơ quan chủ trì đại diện Việt Nam tham gia UPU, và trực tiếp là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, đại diện Việt Nam tham gia POC, có trách nhiệm, trước hết là bảo đảm sự tham dự đầy đủ của Việt Nam tại các cuộc họp của POC; trực tiếp tham gia thảo luận và đưa ra quyết định đối với các vấn đề về hoạt động khai thác, kinh tế và thương mại của ngành kinh doanh bưu chính và hợp tác quốc tế về bưu chính; thúc đẩy lợi ích chung của các nước thành viên UPU, trong đó có nước ta và các nước đang phát triển; tham gia đóng góp xây dựng khuyến nghị cho các nước thành viên UPU về các tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ, an toàn an ninh mạng lưới, việc áp dụng các ứng dụng công nghệ vào các hoạt động khai thác nghiệp vụ bưu chính nhằm mục đích giúp hiện đại hóa mạng lưới và cải tiến các sản phẩm và dịch vụ bưu chính đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng.
Cảm ơn bà.
Thái Khang (Thực hiện)
Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Khai thác bưu chính thế giới nhiệm kỳ 2022-2025
Việc trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Khai thác bưu chính (POC) của UPU nhiệm kỳ 2022 - 2025 là một cơ hội tốt cho Việt Nam tham gia sâu vào các hoạt động nghiệp vụ bưu chính quốc tế.