Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở Việt Nam (3.200 dự án và 73,4 tỷ USD vốn đăng ký).

Riêng thương mại, Singapore tiếp tục là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 9,2 tỷ USD theo hướng ngày càng cân bằng hơn (tăng 11,6% so với năm 2021).

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam luôn chủ động hợp tác, chặt chẽ và hiệu quả với Singapore. Trong số 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, có 9 FTA mà Việt Nam và Singapore đều là thành viên, cho thấy sự gần gũi, tương đồng về quan điểm, lợi ích và định hướng phát triển giữa hai nước.

Thời gian qua, hàng loạt MOU được ký kết giữa hai nước, như MOU về hợp tác năng lượng giữa Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) và Bộ Công thương Việt Nam, hợp tác về tín chỉ carbon giữa MTI và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; MOU về Nhóm công tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore ký giữa Bộ Công thương Singapore và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 16; Chương trình Trao đổi nhân tài Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore. 

dji 0318 418.jpeg
Thúc đẩy hợp tác kinh tế xanh.

Về đổi mới sáng tạo, hai bên đã tổ chức cuộc họp khởi động Nhóm công tác chung Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long, một Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Công Thương Singapore về Chương trình trao đổi nhân tài đổi mới sáng tạo cũng sẽ được ký kết.

Tháng 2/2023, Việt Nam và Singapore đã ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh.

Tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 912/QĐ-TTg ngày 2/8/2023 thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác kinh tế số- kinh tế xanh giữa Việt Nam và Singapore.

Tổ công tác liên ngành do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến việc triển khai Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác kinh tế số- kinh tế xanh giữa Việt Nam và Singapore.

Tổ công tác giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến việc triển khai Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác kinh tế số- kinh tế xanh giữa Việt Nam và Singapore; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến việc triển khai Biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác kinh tế số- kinh tế xanh giữa Việt Nam và Singapore.

Thời gian tới, Việt Nam và Singapore dự kiến sẽ đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong lĩnh vực chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên, như quản lý dân cư, tài chính ngân hàng, đất đai, thương mại điện tử…

Đồng thời, hai bên sẽ hợp tác phát triển, kết nối chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó có chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia như dữ liệu về hàng hóa, phương tiện vận chuyển, thương mại hướng tới thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hai nước tiến hành hoàn toàn trên môi trường số.

Ông Kok Ping Soon, Giám đốc điều hành Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), cho biết có rất nhiều điều mà Singapore và Việt Nam có thể bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực kinh tế xanh và kỹ thuật số để cùng phát triển, nhằm giải quyết các lợi ích cũng như cam kết quốc tế và khu vực của hai nước. 

Singapore mong muốn hợp tác để hỗ trợ các công ty Việt Nam chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng và an ninh mạng. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, Singapore muốn hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 ở cả hai nước. 

“Chúng tôi đang tìm cách phát triển một mạng lưới điện kết nối Singapore và Việt Nam. Nếu được thực hiện, đây có thể trở thành một mô hình kiểu mẫu trong hợp tác và thương mại năng lượng điện trong ASEAN”, lãnh đạo SBF chia sẻ.

Ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam, cho biết Singapore và Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác, không chỉ để phát triển năng lượng tái tạo, mà còn làm cách nào để kết nối năng lượng này với khu vực ASEAN rộng lớn hơn, thông qua lưới điện ASEAN. Việc huy động tài chính khí hậu cũng rất quan trọng. Trong chương trình nghị sự chuyến thăm lần này, hai thủ tướng sẽ tiếp tục thảo luận về một số dự án cụ thể liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số.

Trần Duy Khánh, Đỗ Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Diệu Bình

Thanh Bình và nhóm PV, BTV