Các mục tiêu mà Việt Nam đã đạt được bao gồm giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học và bình đẳng giới; Giảm 3/4 tỷ lệ tử vong mẹ, gần 2/3 tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2015 so với năm 1990; Đạt thành tựu trong ngăn chặn lây lan bệnh dịch HIV/AIDS, lao, sởi. Những kinh nghiệm thực hiện MDG rất hữu ích trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG) sau năm 2015.
Theo Báo cáo “Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam” của Chính phủ Việt Nam, là một quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững trên thế giới. Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình trong thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững, thực hiện MDG, trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, đã thu được những thành tựu nhất định trong tiến trình phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Liên Hợp quốc. Ảnh minh họa. |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc vào tháng 9/2015, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 (CTNS) và tất cả các SDG. Các SDG đã được Việt Nam quốc gia hóa thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững vào tháng 5 năm 2017 (gọi tắt là Kế hoạch hành động quốc gia).
Là một quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc, Việt Nam tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững trên thế giới thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đã ký kết tham gia nhiều công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đặc biệt các Công ước của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu và đa dạng sinh học.
Tiếp nối thành công trong việc thực hiện MDG và thực hiện cam kết quốc tế về CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.
115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể toàn cầu. Các mục tiêu không được lựa chọn là những mục tiêu mang tính toàn cầu, không phù hợp ở cấp độ quốc gia hoặc những mục tiêu không phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển của Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện phát triển bền vững, Việt Nam đã chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan bao gồm các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, qua đó nâng cao năng lực thực hiện phát triển bền vững cho các bên liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành và địa phương.
Tuy nhiên, nhận thức về SDG vẫn còn tương đối hạn chế đối với người dân, bao gồm cả cộng đồng địa phương và thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Mới đây, Khảo sát thanh niên về Mục tiêu phát triển bền vững do UNDP thực hiện lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam, với hơn 7.000 thanh niên từ khắp 63 tỉnh thành trong cả nước đã tham gia khảo sát, trong đó, gần 75% là nữ và 65% sống ở khu vực đô thị.
Điều đáng chú ý nhất là gần 3/4 số người trả lời khảo sát nói rằng họ chưa hề nghe thấy SDG trước đó. Khảo sát cho thấy, nhìn chung thanh niên quan tâm đến SDG, nhưng lại không biết phải làm gì thông qua những hoạt động trong cuộc sống hàng ngày và hành động của mỗi người dân có thể giúp cải thiện xã hội Việt Nam như thế nào.
Do vậy, việc nâng cao nhận thức về SDG cho các bên liên quan, đặc biệt là giới thanh niên và cộng đồng địa phương là hết sức quan trọng.
Việt Nam đã thực hiện những bước quan trọng nhằm hỗ trợ thanh niên nhận thức được vai trò đầy đủ của mình trong việc đạt được các SDG. Các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các SDG ở cấp địa phương và cộng đồng. Báo chí, phát thanh, truyền hình cũng là một kênh thông tin quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về phát triển bền vững. Trong thời gian qua, báo chí, phát thanh truyền hình Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển bền vững.
Hằng Nga