"Ở một số phương diện, Việt Nam ứng phó tốt hơn với các cú sốc bên ngoài so với các nước ASEAN và Trung Quốc", TS Võ Trí Thành nêu ý kiến.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa phát hành Báo cáo kinh tế vĩ mô 2013, với tên gọi “Thách thức còn ở phía trước”. Báo cáo do Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của UNDP.
Khả năng chống đỡ?
Trong một phần nghiên cứu riêng mang tên "Khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài", Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương, ông Võ Trí Thành đã phân tích tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam những năm qua, đồng thời, đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng cho giai đoạn sắp tới.
TS Võ Trí Thành. Ảnh: Huỳnh Phan |
TS Võ Trí Thành khẳng định, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hơn vừa qua đã làm bộc lộ rõ hơn các yếu kém cố hữu của nền kinh tế - vốn bị che lấp hoặc không được lưu tâm thích đáng trong một thời gian dài.
Cụ thể, sau một thời gian dài tăng trưởng khá nhanh và liên tục, nền kinh tế đã phải đối mặt với ba điểm nghẽn: bất cập về thể chế, bất cập về chất lượng cơ sở hạ tầng, và bất cập về chất lượng nguồn nhân lực.
Trong khi đó, cơ cấu kinh tế và xuất khẩu chậm đổi mới, còn dựa nhiều vào các lĩnh vực thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động với hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, lợi ích kinh tế so với gia tăng hoạt động kinh tế là chưa nhiều, thể hiện ở cả cấp độ ngành
và cấp quốc gia.
Cũng theo ông Thành, năng lực thực hiện các cam kết quốc tế ở ta vẫn còn nhiều bất cập.
Diễn biến ngay sau khi gia nhập WTO cho thấy năng lực thể chế - bao gồm cả năng lực điều hành chính sách và năng lực thiết kế các rào cản kỹ thuật phù hợp với quy định của WTO - còn chưa được củng cố đúng mức.
Nhìn từ một phương diện khác, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn cũng làm tăng quy mô và tốc độ truyền tải các cú sốc bên ngoài. Theo đó, các cú sốc này cũng có tác động nhanh và mạnh hơn, với phạm vi rộng hơn đối với nền kinh tế, chủ yếu thông qua các kênh đầu tư (trực tiếp và gián tiếp) và thương mại.
"Nhận diện được các cú sốc này và đánh giá khả năng tác động đến Việt Nam chỉ là nền tảng bước đầu cho quá trình điều chỉnh chính sách. Trong khi đó, nhìn nhận khả năng chống đỡ các cú sốc này là cần thiết để công tác điều hành có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp hơn", ông Võ Trí Thành khuyến cáo.
Tránh "tâm lý bầy đàn"
Báo cáo kinh tế vĩ mô 2013. Ảnh bìa sách |
Viện Phó CIEM đã mô tả sơ lược tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, với những nhận định về tình hình và triển vọng trong thời gian tới, đặc biệt là các dẫn chứng, số liệu chi tiết phân tích khả năng chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài trong giai đoạn 2007-2012.
Theo ông Thành, các cú sốc bên ngoài không đặt ra nhiều khó khăn mới cho kinh tế Việt Nam. Trên thực tế, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các cú sốc bên ngoài dường như chỉ làm trầm trọng thêm các yếu kém cố hữu của nền kinh tế, nhất là của mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào đầu tư và tín dụng.
Thứ hai, các chính sách quá chú trọng tăng trưởng cao trong một thời gian dài - mà không lưu tâm đúng mức đến ổn định kinh tế vĩ mô - thực ra lại làm trầm trọng hơn áp lực bất ổn kinh tế vĩ mô, và do đó làm ngắn chu trình tăng trưởng nhanh. Trước tác động bất lợi của các cú sốc bên ngoài, việc kích cầu (rút ngắn thời kỳ suy giảm) sẽ trở nên khó khăn hơn bởi đi kèm với áp lực lạm phát gia tăng.
Lựa chọn phù hợp hơn là thực hiện linh hoạt các chính sách hướng tăng trưởng đi kèm với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô nhằm duy trì đà phát triển kinh tế trong dài hạn.
Thứ ba, các chính sách cần được thực hiện đồng bộ, hài hòa với liều lượng phù hợp, trên cơ sở đánh giá tác động có thể có và/hoặc tham vấn các nhóm đối tượng liên quan. Việc ổn định chính sách tỷ giá song không làm cản trở xuất khẩu trong thời gian từ giữa 2011 đến nay chính là một kinh nghiệm quan trọng.
Thứ tư, trên một số phương diện, Việt Nam lại ứng phó tốt hơn với các cú sốc bên ngoài so với các nước ASEAN và Trung Quốc. Xuất khẩu tiếp tục là một điểm sáng, ngay cả trong những thời điểm
tăng trưởng thấp. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về lợi ích thực sự từ xuất khẩu.
Nhằm nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc bên ngoài trong thời gian tới, ông Võ Trí Thành cho rằng, cần phải kiên định hơn với các cải cách dài hạn nhằm tạo dựng thêm nền tảng tăng trưởng kinh tế. Điều phối và phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm hướng tới mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô.
Có nỗ lực bình ổn cán cân thương mại và cán cân vãng lai theo hướng cân bằng hơn. Điều này chỉ có được khi kết hợp các biện pháp nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt
Nam trong trung và dài hạn, đồng thời khuyến khích nhập khẩu máy móc hướng tới tăng năng lực sản xuất xuất khẩu.
Cuối cùng, theo ông Thành, cùng với việc thực thi các biện pháp chính sách, Việt Nam cần làm tốt công tác thông tin đối với thị trường, đặc biệt là giải trình những điều chỉnh chính sách một cách đầy đủ và hợp lý. "Điều này là hết sức cần thiết nhằm tránh những hành vi bầy đàn không đáng có do thông tin sai lệch", ông Thành khẳng định.
- Ngọc Lê
Xem các bài cùng chủ đề Sẽ không có bữa đại tiệc cho Việt Nam Với BTA ta đã chấp nhận mở cửa cả những ngành dịch vụ như viễn thông, tài chính mà trước đó đã khoanh vùng là "đất của chúa" và đã rào thật kín "vì an ninh quốc gia". Việc tham gia TPP tới đây sẽ mở tiếp", ông Nguyễn Đình Lương nói. "Một cơ hội chưa từng có" cho Việt Nam Ông Võ Trí Thành cho rằng "Việt Nam phải làm thế nào để đón lõng được cơ hội mới cho phát triển - một cơ hội chưa từng có". |
>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam