Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030”.
Theo Quyết định, mục tiêu chung là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Cụ thể, tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người. Đến năm 2025, có 6 vùng của tỉnh Bình Phước, 1 vùng của Tây Ninh, 12 vùng khác của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM đạt ATDB theo quy định của Việt Nam; 4 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH).
Năm 2030, các vùng đã đạt ATDB tiếp tục được duy trì; các huyện còn lại của các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM và các tỉnh khác thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên được xây dựng vùng ATDB theo quy định của Việt Nam; có 8 vùng khác của Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của WOAH.
Quyết định cũng nêu rõ, phấn đấu xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), 5 nước Liên minh kinh tế Á - Âu và các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU, Trung Quốc.
Ngoài ra, xuất khẩu được trứng và sản phẩm trứng gia cầm sang thị trường Hong Kong, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Mỹ, Hàn Quốc; xuất khẩu được thịt lợn sang Malaysia, Trung Quốc.
Phấn đấu xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang Malaysia và Indonesia; mật ong và sản phẩm ong sang Nhật Bản, Thái Lan và các thị trường khác.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được gần 8.700 tấn thịt và các sản phẩm thịt, thu về 40,64 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 63,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tăng đột biến hơn 461% về lượng và gần 798% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, thịt và các sản phẩm thịt được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hong Kong, Bỉ, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Hà Lan...
Dù xuất khẩu có xu hướng tăng mạnh, song so với con số nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt là 480,32 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2023, thì kim ngạch xuất khẩu còn khá khiêm tốn.
Mới đây, tại một tọa đàm về ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - cũng cho rằng, cần hướng đến xuất khẩu, bởi mục tiêu không chỉ là lợi nhuận mà còn giúp tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Trong đó, trọng điểm sẽ là các sản phẩm đã qua chế biến vì có lợi thế. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng nhất nhì thế giới như trứng vịt muối, lợn sữa...
Người Việt thích ăn thịt đỏ, cổ, cánh, lòng mề, đùi gà nên có thể xuất khẩu ức gà, lườn gà mà các quốc gia khác ưa chuộng, ông Dương chia sẻ thêm.