Ngành chăn nuôi vẫn còn khó khăn
Tại tọa đàm Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi sáng 25/7, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - nhận xét, ngành chăn nuôi những năm qua có tốc độ phát triển cao.
Các doanh nghiệp lớn như Masan, CP, Deheus, Thaco, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… mạnh tay đầu tư, đặc biệt là khâu giết mổ và chế biến. Đây là tín hiệu tích cực, dần khắc phục điểm yếu của ngành chăn nuôi.
Tuy nhiên, ông Dương thừa nhận, ngành chăn nuôi vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thị trường tiêu thụ. Theo đó, năm 2017 giá lợn xuống rẻ như cho, đến năm 2019 lại đối mặt với dịch tả lợn châu Phi.
Năm 2020, dịch Covid-19 làm đứt toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngành chăn nuôi chịu tác động trực tiếp, bởi 90% nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi chúng ta phải nhập khẩu. Chưa kể, sản phẩm chăn nuôi lợn, gà,... rẻ như cho vẫn không bán được.
Từ năm 2022 đến nay, người nuôi gà chịu cảnh thua lỗ nặng do phải bán dưới giá thành từ 5.000-6.000 đồng/kg với gà công nghiệp lông trắng. Đến quý IV/2022, người nuôi gà ta lỗ 12.300 đồng/kg; sang tháng 1/2023 tiếp tục lỗ 7.000 đồng/kg, tháng 4 lỗ 12.600 đồng/kg.
Các hộ nuôi lợn cũng chịu thua lỗ nặng do giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã và neo ở mức cao, còn giá lợn hơi bán ở mức thấp. Thời gian gần đây, giá mặt hàng này phục hồi, nông hộ chăn nuôi thoát cảnh bán lợn dưới giá thành.
Ông Dương cho rằng, cần khắc phục những hạn chế của ngành, như kiểm soát dịch bệnh vẫn còn nhiều bất cập, xây dựng các cơ sở vùng nuôi an toàn. Đây là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất của ngành chăn nuôi. Ngoài ra, cần tổ chức chăn nuôi theo hướng liên kết.
“Hiện đàn thủy cầm chúng ta chỉ đứng sau Trung Quốc, đàn lợn đứng thứ 6 thế giới, đàn gia cầm cũng lớn, nhưng chúng ta lại chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi”, ông nói.
Bán thịt tươi quá khó, cần chú trọng chế biến
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Kha, chủ chuỗi Trang trại Miền Đông (Đồng Nai), chia sẻ, để chăn nuôi ổn định, năm 2015, ông mạnh dạn hợp tác với doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết khép kín định hướng xuất khẩu gà sang Nhật Bản.
Đến tháng 9/2017, lô gà đầu tiên của ông được Công ty Koyu & Unitek - đối tác trong chuỗi liên kết - xuất sang thị trường Nhật Bản. Từ đó tới nay, hoạt động xuất khẩu diễn ra rất thuận lợi và liên tục phát triển.
Theo ông Kha, mỗi năm Nhật Bản có thể nhập hàng triệu tấn thịt gà, song đây là thị trường khó tính. Do đó, muốn xuất khẩu cần phải liên kết sản xuất, kiểm soát tốt dịch bệnh và tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn của thị trường.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc đối ngoại Công ty De Heus Việt Nam, nhận định, Việt Nam có ngành chăn nuôi với nền tảng hơn 30 năm qua, thực sự mạnh trong khoảng 10 năm gần đây. Ông nhận thấy những cơ hội rất lớn trong lĩnh vực chăn nuôi ở nước ta.
Đó là việc dần hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, như vùng chăn nuôi gà trắng ở Đông Nam bộ có quy mô lớn, nhờ đó giảm giá thành sản xuất. Chúng ta cũng có lợi thế về nhân lực rẻ.
“Tôi thấy thế mạnh của Việt Nam về xuất khẩu các sản phẩm chế biến. Sản phẩm ức gà trắng xuất khẩu của chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước. Đây là cơ hội, cũng là thách thức lớn”, ông nói.
Muốn vậy, theo ông Hiếu, cần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để làm nền tảng cho xuất khẩu. Cùng với đó là sự đầu tư bài bản, hiện đại các cơ sở chế biến giết mổ, chúng ta có thể tự tin rằng tương lai gần sẽ có nhiều điểm sáng về xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Dương nhấn mạnh, cần hướng đến xuất khẩu, bởi mục tiêu không chỉ là lợi nhuận mà còn giúp tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, đó là các sản phẩm đã qua chế biến.
“Minh chứng là Thái Lan chỉ xuất khẩu thịt gà đã đạt 4,3 tỷ USD/năm. Điều đáng nói, họ không xuất thịt tươi mà xuất bán các sản phẩm đều đã qua chế biến”, ông dẫn chứng.
Cũng theo ông Dương, Việt Nam có lợi thế về ẩm thực với nhiều gia vị ngon nên càng thuận lợi làm các sản phẩm chế biến xuất khẩu. Chúng ta còn có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng nhất nhì thế giới như trứng vịt muối, lợn sữa...
Người Việt thích ăn thịt đỏ, cổ, cánh, lòng mề, đùi gà nên có thể xuất khẩu ức gà, lườn gà mà các quốc gia khác ưa chuộng, ông Dương chia sẻ thêm.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được gần 8.700 tấn thịt và các sản phẩm thịt, thu về 40,64 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 63,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm... |