“Top 10 Công ty bán lẻ uy tín năm 2024” được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan trong tháng 8 - 9/2024.

Report 1.jpg
Nguồn: Vietnam Report
Report 2.jpg
Nguồn: Vietnam Report
Report3.jpg
Nguồn: Vietnam Report

Thị trường bán lẻ và những kỳ vọng khởi sắc

Năm 2024, thị trường bán lẻ đang có những tín hiệu khả quan dù tốc độ phục hồi không quá nhanh. Theo Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng nửa đầu năm tăng 5,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm ước đạt 3.199,7 nghìn tỷ đồng; dù ghi nhận tăng trưởng dương (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023) nhưng chưa bằng cùng kỳ giai đoạn 2022 - 2023, cho thấy thị trường cần thêm những nỗ lực và giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình phục hồi. 

Theo nghiên cứu mới đây của Vietnam Report, 74,6% số doanh nghiệp trong ngành cho biết có doanh thu tương đương hoặc cao hơn, 66,3% số doanh nghiệp duy trì và cải thiện lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. 

Trong những tháng tới, thị trường bán lẻ được dự báo có thể bứt phá nhờ triển vọng phục hồi của nền kinh tế, tác động của các chính sách và biện pháp kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh, cùng sức mua tăng trong thời gian cao điểm cuối năm. Về trung và dài hạn, tốc độ đô thị hóa nhanh, mức thu nhập ngày càng tăng, số người trong độ tuổi lao động và tầng lớp trung lưu đang gia tăng và ngày càng đa dạng… là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của thị trường tiêu dùng, mở đường cho ngành bán lẻ phát triển. 

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, phần lớn người tiêu dùng thể hiện niềm tin vào việc nền kinh tế Việt Nam đang vận động theo chiều hướng tích cực. Tỷ lệ người tiêu dùng đánh giá tình hình tài chính của bản thân khả quan hơn trong 12 tháng tới đạt 69,9% và sự lạc quan này được kỳ vọng có thể đưa mức tiêu dùng cải thiện hơn trong tương lai.

Report 4.jpg
 Khảo sát người tiêu dùng ngành bán lẻ tháng 9/2024. Nguồn: Vietnam Report 

5 yếu tố định hình thị trường bán lẻ từ góc nhìn doanh nghiệp

Thị trường bán lẻ hiện đại là một hệ sinh thái chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố có mối tương quan và tác động qua lại với nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần bắt kịp những xu hướng mới, thích ứng với sự thay đổi và tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững dựa trên việc nắm bắt được diện mạo thị trường. 

Report 5.jpg
 Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ tháng 8/2024. Nguồn: Vietnam Report

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từng bước phục hồi với sự cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số, được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi, kích thích tiêu dùng và ngành bán lẻ. 

Bên cạnh đó, các quy định pháp lý và chính sách từ Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng thị trường tiêu dùng. 

Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận một số kiến nghị chính sách của doanh nghiệp bao gồm: Hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin, tạo môi trường cạnh tranh công bằng (83,3%); Đơn giản hoá thủ tục hành chính (66,7%); Hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số (63,8%); Hỗ trợ kích cầu người tiêu dùng (54,2%); Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại (50,0%); Tăng cường kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng nhái (33,3%); Bổ sung hỗ trợ thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế (33,3%).

Ngoài ra, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp cùng sự bùng nổ của công nghệ đang đẩy nhanh quá trình định hình môi trường bán lẻ ngày càng đa dạng và phức tạp. Xu hướng lựa chọn nơi mua sắm của người tiêu dùng ngày nay cũng đòi hỏi mặt hàng phong phú, nguồn gốc minh bạch, giá cả hợp lý và có giá trị gia tăng từ các chương trình ưu đãi, trong khi uy tín của doanh nghiệp cùng yếu tố địa lý vẫn giữ vai trò quan trọng. 

Chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp bán lẻ

Bắt nhịp với điều kiện thị trường và sự chuyển dịch trong khuynh hướng tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ cũng đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động, xây nền móng cho thành công bền vững như: Đẩy mạnh bán hàng đa kênh (79,25%); Cải tiến không gian mua sắm, nâng cao chất lượng dịch vụ (60,4%); Đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào (58,3%); Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (45,8%); Tăng cường số hoá (45,8%); Nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, đẩy mạnh marketing (41,7%)…

Đáng chú ý, đa dạng hóa sản phẩm, nhà cung cấp và kiểm soát chất lượng đầu vào chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất (+22,6%). Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, các doanh nghiệp cần không ngừng tìm kiếm sản phẩm và nhà cung cấp uy tín để đảm bảo chất lượng; đồng thời tăng cường liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ logistics nhằm hướng tới phát triển bền vững. 

Đóng vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa và cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, ngành bán lẻ là một trong những trụ cột định hình cấu trúc kinh tế quốc gia. Dù còn nhiều thách thức và rủi ro, các doanh nghiệp bán lẻ đã và đang đưa ra những quyết định chiến lược để cải thiện hoạt động kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng và đầu tư cho nền móng thành công bền vững.

(Nguồn: Vietnam Report)