Cho rằng tốc độ triển khai 4G của Việt Nam đang chậm hơn các nước Đông Nam Á, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng kiến nghị Bộ TT&TT cấp phép 4G ngay trong năm nay, thay vì năm 2016 như kế hoạch.

{keywords}
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Vietnam+

Phát biểu tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2015 của Bộ TT&TT sáng nay, 5/6, ông Dũng cho biết Viettel hiện đang cung cấp dịch vụ tài Lào và Campuchia. "So với các nước trong khu vực thì chúng ta đang chậm hơn. Ngay Thái Lan cũng sẽ triển khai 4G vào cuối năm nay". Chính vì thế, đại diện của Viettel kiến nghị Bộ cấp phép luôn trong năm 2015, còn doanh nghiệp sẽ tự quyết định thời điểm triển khai. Một lý do nữa khiến Viettel muốn đẩy nhanh cấp phép 4G là vì theo Tập đoàn này, nếu có giấy phép 4G sớm thì sẽ "đỡ phải đầu tư tiếp cho 3G, vừa lãng phí, vừa khó khấu hao".

Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, các nhà mạng sẽ triển khai cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz trong nửa cuối năm nay và tiến hành đấu thầu, cấp phép 4G từ đầu năm 2016.

Tuy nhiên, đại diện Cục Tần Số khẳng định, việc xác định thời điểm cấp phép cần phải tuân thủ theo một số nguyên tắc nhất định, trong đó có nguyên tắc về mức độ phổ biến của công nghệ. Một tỷ lệ "vàng" đang được áp dụng phổ biến hiện nay là chỉ áp dụng một công nghệ mới khi nó đã đạt thị phần 13,5% mà thôi. Bản thân ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cũng chia sẻ trước đây rằng tỷ lệ 10% thì "mới làm được". Trong khi đó, theo ghi nhận của Cục Tần số, mức độ phổ cập của các thiết bị 4G tại Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 8% mà thôi. Để kết luận, Cục Tần số cho rằng "sang năm vẫn hợp lý hơn".

Đồng tình với Cục Tần số, Cục trưởng Cục Viễn thông Phan Tâm nhấn mạnh rằng, có thể với một số doanh nghiệp, thời điểm dự định triển khai 4G của Việt Nam là muộn, nhưng với các doanh nghiệp khác, 2016 vẫn còn là sớm. Với tư cách cơ quan quản lý, việc lựa chọn thời điểm cấp phép cần phải tính toán đến quyền lợi của xã hội, đến lợi ích tổng thể của người dùng, doanh nghiệp, Nhà nước. Hiện tại, Cục Viễn thông vẫn đang theo đúng lộ trình 4G đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bản thân ông Tâm cũng tin rằng 2016 mới là thời điểm mà công nghệ 4G thực sự chín muồi.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, 4G là một dịch vụ mà Việt Nam bắt buộc phải tiến hành cung cấp trong tương lai gần, vì đấy là xu hướng phát triển chung của thế giới. Nhưng lựa chọn thời điểm sao cho phù hợp, không sớm quá cũng không muộn quá, là việc rất quan trọng. Muộn quá thì Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ đi sau các nước, nhưng cung cấp sớm quá thì công nghệ chưa ổn định, giá thành còn đắt. Hiện tại, các nhà mạng đang thí điểm cung cấp 3G trên băng tần 900 MHz và 4G trên băng tần 1800 MHz. Do đó, "nhanh nhất cũng phải cuối năm nay, đầu năm 2016 mới có thể cấp phép", Bộ trưởng nêu quan điểm. Trong thời gian này, Bộ cũng đang tích cực số hóa truyền hình để giải phóng băng tần, nhất là các băng tần thấp như 700 MHz của truyền hình cho 4G.

Trọng Cầm