Tính đến ngày 21/4/2020, tại 11 quốc gia Viettel đang đầu tư đều đã ghi nhận có dịch Covid – 19. Trong đó, 3 quốc gia thực hiện các biện pháp cấp bách gồm một thị trường phong tỏa toàn quốc (Peru), 4 thị trường cách ly xã hội (VN, Timor, Lào, Campuchia), các quốc gia còn lại đều thực hiện hạn chế tập trung đông người.
Với thế mạnh là doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin, Viettel đã hỗ trợ Chính phủ và người dân tại Việt Nam và 10 quốc gia Viettel đang đầu tư để phòng, chống dịch Covid -19 theo nhu cầu của từng nước. Việc đồng loạt thực hiện này nhằm nỗ lực kết nối cộng đồng trên thế giới ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu.
Cụ thể, Viettel đã hỗ trợ Chính phủ các nước bằng cách thiết lập cầu truyền hình phục vụ công tác điều hành từ trung ương đến địa phương như hệ thống được triển khai tại Việt Nam, Lào và Burundi.
Viettel đã triển khai hệ thống nhắn tin tự động tới gần 100 triệu khách hàng, để truyền thông và cảnh báo kịp thời về tình hình dịch bệnh tại các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Đông Timor, Myanmar, Haiti, Peru và Burundi.
Với cộng đồng, Viettel triển khai nền tảng y tế trực tuyến giúp hàng trăm triệu người dân ở 11 quốc gia nắm bắt tin tức, tình hình dịch bệnh, cách phòng chống và các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Hệ thống được triển khai ở 4 quốc gia là Việt Nam, Lào, Haiti và Mozambique.
Với gần 100 triệu khách hàng của mình, tại Việt Nam, Lào, Peru, Burundi, Viettel miễn phí cước truy cập Internet đối với các dịch vụ giáo dục trực tuyến. Đồng thời tiến hành giảm 30% – 70% giá cước truy cập Internet, tăng băng thông lên gấp 2-3 lần cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ cố định băng rộng, miễn phí giao dịch chuyển khoản qua dịch vụ ví điện tử, cung cấp hệ thống làm việc và đào tạo tại nhà…
Với y bác sỹ và lực lượng tuyến đầu, Viettel Miễn phí dịch vụ viễn thông cho gần 30.000 y bác sỹ và hàng chục ngàn người thuộc lực lượng tuyến đầu tại Việt Nam, Peru, Lào.
Đối với nội bộ, tất cả công ty do Viettel đầu tư đều duy trì sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo tuân thủ các yêu cầu chống dịch của Chính phủ nước sở tại. Các công ty này đảm bảo không thay đổi việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel Global nhấn mạnh: “Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số tại 10 thị trường trong năm 2019, Viettel đã triển khai các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ Chính phủ các nước phòng chống dịch Covid-19 nhanh chóng. Viettel cam kết sẽ mang những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để phục vụ người dân gần như miễn phí trong công tác phòng chống dịch”.
Ông cho biết thêm, trong quý I/2020, hoạt động đầu tư ra nước ngoải của Viettel vẫn đảm bảo hoàn thành các chi tiêu về kinh doanh theo đúng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, việc đảm bảo một mức tăng trưởng cao như dự kiến trước đây đối với hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel sẽ khó thực hiện và cần có sự điều chỉnh cho phù hợp trong bối cảnh chung hiện nay.
Các nỗ lực này của Viettel đều được Chính phủ các nước ghi nhận. Trước đó, Viettel luôn là đối tác tin cậy của nhiều Chính phủ các quốc gia trong triển khai các giải pháp Chính phủ điện tử như xây dựng Hệ thống thông tin đăng ký và Quản lý hộ tịch, hệ thống RTGS (Real Time Gross Settlement) và Core Banking – hệ thống đảm trách nhiệm vụ đối soát giao dịch giữa các ngân hàng với Ngân hàng Trung ương tại Lào; Hệ thống quản lý văn bản điện tử cho Chính phủ Campuchia, Haiti. Viettel cũng đã cung cấp dịch vụ Internet và kênh truyền tại hầu hết các thị trường và cung cấp giải pháp CNTT cho hệ thống thanh toán trực tuyến như nộp thuế tại Burundi.