Thành lập năm 1988, tiền thân của Vinaconex là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài. Năm 2008, Vinaconex niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán VCG, nhanh chóng trở thành một trong các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất HNX. Tháng 11/2018, Vinaconex chuyển sang hoạt động theo mô hình DN không còn vốn Nhà nước, đồng thời xác định chiến lược phát triển dựa trên 3 lĩnh vực chính chính là xây lắp, BĐS và đầu tư tài chính.
Ngày 29/12/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã tổ chức Lễ trao quyết định niêm yết và đưa 441.710.673 cổ phiếu của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam Vinaconex (Mã chứng khoán: VCG) được niêm yết và giao dịch trên HoSE, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 41.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa thị trường đạt gần 18.500 tỷ đồng.
Vinaconex kỳ vọng mở ra những cơ hội hợp tác, thu hút thêm nhiều nguồn vốn chiến lược đa dạng, dài hạn để tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển các dự án hiệu quả, mang lại lợi ích cho cổ đông, nhà đầu tư và người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tiếp tục khẳng định vị thế top đầu trong xây dựng
Với vị thế top 10 nhà thầu xây lắp lớn nhất Việt Nam, Vinaconex đã thực hiện các dự án xây dựng quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia thuộc lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp; hạ tầng; giao thông, trong đó tiêu biểu là: Đại lộ Thăng Long, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 - Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Thuỷ lợi - thuỷ điện Cửa Đạt; Tổ hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn, Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn…
Theo đại diện doanh nghiệp, Vinaconex đang triển khai các hợp đồng xây lắp có tổng giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng với chiến lược tập trung vào phân khúc dự án hạ tầng có vốn đầu tư công và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, giá trị các giá trị gói thầu trúng mới trong năm 2020 của Vinaconex đạt gần 10.000 tỷ đồng, đảm bảo nguồn việc không chỉ cho năm 2020 mà còn chuyển tiếp sang các năm tới.
Về công trình giao thông, các gói thầu lớn nhất thuộc cao tốc Bắc Nam phía đông như gói thầu 3 - XL (cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây), gói thầu XL - 4 (cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết)… có tổng giá trị 5.500 tỷ đồng, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội) và một số dự án giao thông quy mô lớn khác. Về công trình dân dụng, tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Mikazuki Spa & Hotel Resort có tổng giá trị 1.010 tỷ đồng, Toà án Nhân dân TP Hà Nội, Bệnh viện K Trung ương… Công trình công nghiệp có hạ tầng chính Khu CNC Hoà Lạc 1.400 tỷ đồng; Gói G - Tổ hợp lọc hoá Dầu Long Sơn, Thuỷ điện Tân Mỹ, Thuỷ điện Dak ba; Dự án BW Bàu Bàng; Foxxcon…
Mở rộng quy mô BĐS để tạo vị thế mới
Đại diện Vinaconex cho biết, doanh nghiệp có danh mục đầu tư đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường gồm nhà ở, du lịch - nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp... Quỹ đất hiện tại lên đến gần 2.000ha tại nhiều địa phương có thị trường BĐS sôi động của cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên…
Một số dự án đầu tư tiêu biểu Vinaconex đang triển khai gồm: Về sản phẩm nhà ở có Dự án 93 Láng Hạ (Hà Nội) - định hình thương hiệu Vinaconex trong phân khúc BĐS cao cấp, Dự án khu đô thị Đại lộ Hòa Bình (Móng Cái - Quảng Ninh)...
Về BĐS nghỉ dưỡng, Vinaconex vừa khởi động Dự án Cát Bà Amatina (Hải Phòng), quy mô 172ha và các dự án Vinaconex đã trúng đấu giá tại một số thành phố biển của cả nước như Dự án Tuy Hòa (Phú Yên); Dự án Tam Kỳ (Quảng Nam)... Về BĐS khu công nghiệp, phải kể đến các dự án tiêu biểu như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp - công nghệ cao 2 Hòa Lạc (Hà Nội), Dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông (Hà Nội).
Đầu tư tài chính hiệu quả
Vinaconex thực hiện hoạt động đầu tư tài chính vào các lĩnh vực mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định, mở rộng hoạt động M&A, tiếp tục duy trì hoặc nâng tỷ lệ sở hữu vốn đảm bảo quyền chi phối điều hành đối với các công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh mang lại tỷ suất lợi nhuận cao, ổn định như năng lượng, nước sạch, giáo dục, xuất khẩu lao động… hình thành chuỗi công ty thành viên của Vinaconex trong lĩnh vực này.
Đồng thời, Vinaconex cũng kiên quyết thoái vốn tại các công ty hoạt động không hiệu quả hoặc không nằm trong định hướng, chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết: “Trong 5 năm tới, Vinaconex phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 15 - 25% mỗi năm, tỷ lệ cổ tức là 12 - 20%/năm, trở thành top 3 nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam, top 10 nhà đầu tư BĐS lớn nhất Việt Nam, phát triển quỹ đất dự án khoảng 5.000ha vào năm 2025. Chuyển niêm yết trên HoSE sẽ là bước đi trong hành trình nâng tầm vị thế và uy tín của Vinaconex”.
Cũng theo ông Thanh, tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của Vinaconex đạt 19.357 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 8.979 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước và bằng 177% kế hoạch. Ước thực hiện cả năm 2020, doanh thu hợp nhất đạt hơn 9.600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 82% so với kế hoạch.
Thúy Ngà