Vượt chỉ tiêu đề ra

Trong những năm qua, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm tại Vĩnh Phúc được lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chính sách của Nhà nước và của tỉnh về dạy nghề và giải quyết việc làm đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.

Việc giải quyết tốt bài toán việc làm không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững mà còn góp phần đưa cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của Vĩnh Phúc chuyển dịch đúng hướng.

{keywords}
Tạo việc làm là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm nghèo bền vững. 

Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đề ra mục tiêu giải quyết việc làm mới cho khoảng 23.000 lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%. Tuy nhiên, ước năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 24.500 lao động, tăng 11% so với năm 2018, vượt Nghị quyết.

Còn theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 100 nghìn lao động, trong đó có 8.000 lao động xuất khẩu. Bình quân mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho 24.000 lượt người, vượt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 19.000 – 20.000 lao động/năm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, có được kết quả trên là do Vĩnh Phúc đã ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động như: Nghị quyết số 207 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 42 về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; Quyết định số 18 của UBND tỉnh về Quy định quản lý, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ và cho vay giải quyết việc làm giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch số 5719 của UBND tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017 – 2020, v.v...

Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm, các phiên hỗ trợ, tư vấn lao động việc làm lưu động tại các huyện, thành phố, sàn giao dịch việc làm online. Chẳng hạn trong năm 2019, đến cuối tháng 11, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã tổ chức hơn 40 phiên giao dịch việc làm, trong đó, có 6 phiên lưu động với 478 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển lao động. Qua các phiên giao dịch, các doanh nghiệp đã tuyển được gần 2.190 người, đồng thời, tư vấn về chính sách lao động và việc làm cho 13.424 lượt người.

Tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ kinh phí cho người lao động khởi nghiệp; mở rộng và duy trì việc làm, xuất khẩu lao động. Tính đến nay, UBND tỉnh đã ủy thác 217 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội làm nguồn vốn hỗ trợ cho người lao động. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài chia theo đối tượng và theo thị trường.

Tiếp tục đẩy mạnh giải quyết việc làm

Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ lao động thiếu việc làm trên địa bàn tỉnh vẫn cao hơn mức trung bình của khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, chiếm khoảng 1,1%.

Nguyên nhân được chỉ ra là do số người bước vào độ tuổi lao động hằng năm của tỉnh lớn; hoạt động đào tạo chưa có nhiều đổi mới, chưa có sự liên kết và chất lượng đào tạo việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý lĩnh vực này còn hạn chế; việc phân bổ các cơ sở đào tạo thiếu đồng đều; nguồn vốn hằng năm bổ sung cho Quỹ giải quyết việc làm còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân.

Để nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm và cơ cấu lao động dịch chuyển đúng hướng, Vĩnh Phúc đưa ra một số giải pháp quan trọng cho thời gian tới. Đó là:

- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức;

- Thực hiện tốt các chiến lược phát triển giáo dục và phát triển dạy nghề; chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn mới phù hợp với các ngành nghề Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút đầu tư và phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của tỉnh;

- Tập trung xây dựng xã hội học tập, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo;

- Tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đối với công tác tạo nguồn lao động, tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động;

- Tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nắm rõ các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo.

Quang Ninh
Ảnh: Thanh Tùng