Ngay sau khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành chương trình hành động số 41-Ctr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 8275/KH-UBND của UBND Vĩnh Phúc ban hành năm 2018, và gần đây là Kế hoạch 847/QĐ-UBND ngày 18/4/2023. Trong đó, đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những năm qua, ngành du lịch Vĩnh Phúc xác định phát triển theo 3 hướng chính nhằm phát huy những thuận lợi về mặt tự nhiên và nhân văn của tỉnh: Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo.

Cuối tháng 2 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc tổ chức Khai mạc Du lịch Xuân 2024 với chủ đề “Kết nối di sản để phát triển du lịch”. Chương trình bao gồm trình diễn nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề "Vĩnh Phúc – Mùa Xuân về", trình diễn nghệ thuật dân tộc; triển lãm quảng bá du lịch Vĩnh Phúc với chủ đề "Vĩnh Phúc – Trải nghiệm 4 mùa", triển lãm ảnh du lịch giới thiệu các di tích, danh lam thắng cảnh, vẻ đẹp vùng đất và con người Vĩnh Phúc.

Tam Đảo được xác định là huyện trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh với nhiều tiềm năng với hơn 120 di tích lịch sử văn hóa bao gồm đình, đền, chùa, miếu, di tích cách mạng và các công trình tôn giáo khác. Đặc biệt, năm 2022, thị trấn Tam Đảo còn được World Travel Awards, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về du lịch vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để Tam Đảo thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch, đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Ngoài phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, Tam Đảo tiếp tục phát triển du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch trải nghiệm, du lịch săn mây, checkin và du lịch văn hóa, văn nghệ.

W-dailai.png
Dự án chỉnh trang Khu du lịch Đại Lải có tổng mức đầu tư gần 31,5 tỷ đồng

Nhằm khai thác tối đa lợi thế cảnh quan của hồ Đại Lải, thành phố Phúc Yên đang quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp Khu du lịch hồ Đại Lải với đường dạo ven hồ chiều dài hơn 1km; hoàn thành dự án công viên cây xanh Khu du lịch Đại Lải; hoàn thành Dự án đường đi Thung lũng Thanh Xuân với chiều dài trên 1,7km… Trong đó, dự án chỉnh trang Khu du lịch Đại Lải với tổng mức đầu tư gần 31,5 tỷ đồng, gồm các hạng mục khu công viên cây xanh, san nền, kè tường, trồng cây xanh, lát đá và đầu tư đồng bộ hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe. Hiện nay, toàn bộ các hạng mục khu công viên cây xanh và bãi đỗ xe đã hoàn thành và đang tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng, tạo bộ mặt mới cho du lịch địa phương.

Theo quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút 15,6 triệu lượt khách nội địa, 150.000 lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 479 triệu USD, giải quyết việc làm hơn 25.000 lao động. Qua đó, đưa dịch vụ - du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch.

Để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển du lịch tỉnh đã đề ra, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc đang và sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch hành động của ngành, có trọng tâm, trọng điểm và triển khai có hiệu quả với những nội dung cụ thể:

Sở VHTTDL nỗ lực triển khai cơ cấu lại ngành Du lịch theo yêu cầu và xu hướng mới, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng chất lượng, bền vững; phát huy liên minh, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác công - tư; tăng cường đầu tư phát triển và làm mới sản phẩm, điểm đến phù hợp với nhu cầu của khách du lịch; khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có và tranh thủ những cơ hội mới sau đại dịch COVID-19 để đưa du lịch phát triển lên tầm cao mới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch để kích cầu và khôi phục thị trường du lịch với nhiều giải pháp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Vĩnh Phúc thông qua việc triển khai hiệu quả các hoạt động trong năm 2024.

Vĩnh Phúc cũng chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và người lao động trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2024-2025, khắc phục những khó khăn do tác động của đại dịch, nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Ngành du lịch tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành để tổ chức khảo sát, lựa chọn, đề xuất khai thác các di tích lịch sử văn hóa; các làng văn hóa kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch.

Năm nay, ngành du lịch Vĩnh Phúc phấn đấu đạt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng 4 nghìn tỷ đồng.