Kinh tế - xã hội phục hồi tích cực

Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh lan rộng trong quý I đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh nhất là các ngành dịch vụ. Sang quý II, dịch Covid-19 dần được kiểm soát; sản xuất kinh doanh từng bước trở lại trạng thái bình thường; kinh tế - xã hội cả nước có nhiều biến tích cực, nhất là ngành dịch vụ du lịch. 

Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19 đã làm giá dầu và vàng tăng cao; chính sách phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc tiếp tục làm ảnh hưởng đến nguồn lưu chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong nước, tình hình thời tiết diễn biến bất thường gia tăng, rét đậm, rét hại và mưa lớn đã gây ngập úng, thiệt hại đến người, tài sản, lúa, hoa màu của người dân...

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự hồi phục rất khả quan. Ảnh: VietNamNet. 

Trong bối cảnh có cả khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen, UBND tỉnh đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, về cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ công dân và doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với đại dịch, về triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội… kịp thời chỉ đạo, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện. 

Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đã có sự hồi phục rất khả quan, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tăng khá, các chế độ, chính sách xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. 

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đã đạt trên 50% mục tiêu Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đề ra, trong đó có 9/17 nhóm chỉ tiêu đạt hoặc vượt so với mục tiêu đã đề ra.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong Top 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Đây là mức tăng khá cao so với tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm tính từ năm 2015 đến năm 2020 và tăng cao hơn so với kịch bản đã đề ra tại Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản tăng khoảng 8,3%).

Trong đó: Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,58%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và tác động của các đợt rét đậm, rét hại từ tháng 2 đến tháng 4/2022 và đợt mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng cuối tháng 5/2022, tổng giá trị tăng thêm ước tăng 1,81%. Khu vực dịch vụ nhất là dịch vụ thương mại, vận tải và du lịch gặp khó khăn trong những tháng đầu năm do sự lây lan nhanh của dịch bệnh Covid-19, từ quý II đến nay nhờ việc triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng linh hoạt nên khu vực này đã và đang dần hồi phục, ước giá trị tăng thêm tăng 6,32% so với cùng kỳ năm 2021. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có những khởi sắc nhất định, từ đó tạo nguồn thu ngân sách nhà nước cho tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 20.650 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 8,0% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 17.700 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2021.

Số thu ngân sách của cả 3 khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước đểu tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá với mức 10,7% do việc thực hiện một số chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm 50% phí đăng ký trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước đã thúc đẩy doanh số tiêu thụ hàng hóa của một số mặt hàng chủ lực. Thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng 8,6% và thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tỉnh đã bổ sung kinh phí và ban hành các hướng dẫn chi trả cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 7.024 tỷ đồng, đạt 39% dự toán và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP và Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng thời duy trì và thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; sẵn sàng các phương án, kịch bản cụ thể để có thể chủ động, kịp thời ứng phó hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Do đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các chỉ đạo, kết luận của Trung ương trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế; tập trung cao độ, quyết liệt cho việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án. Rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Quyết liệt, chủ động thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

 Tỉnh đặt trọng tâm thực hiện bằng được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Ảnh: VietNamNet.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tỉnh tiếp tục đặt trọng tâm thực hiện bằng được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả với trọng tâm bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, lấy nhân dân là trung tâm của thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra tại Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh, đồng thời hoàn thành mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch tại địa phương, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể:

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Tập trung xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong từng lĩnh vực để khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung kiểm soát dịch Covid-19. Phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.

Bám sát tình hình để kịp thời điều hành dự toán ngân sách phù hợp. Tăng cường quản lý thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán năm 2022 đã được HĐND tỉnh thông qua. Quản lý, điều hành chi ngân sách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành liên quan đến chế độ chi cho con người, chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp bách, trọng điểm của tỉnh. 

Hỗ trợ tín dụng để phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó giảm lãi suất cho vay, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo tinh thần Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… 

Các cấp, các ngành, các huyện/thành phố khẩn trương phân khai chi tiết nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Thường xuyên bám sát để giải quyết, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, kịp thời điều chỉnh, điều hòa nguồn vốn, phấn đấu giải ngân cao nhất nguồn vốn đã được giao.

Tập trung triển khai kế hoạch về xúc tiến đầu tư năm 2022, trong đó chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh. Tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư một số nước như: Đức, Pháp, Ý. 

Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp bị tác động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Duy trì các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Duy trì tốt việc cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử, phấn đấu đạt tỷ lệ đăng ký qua mạng điện tử trên 90%. Hoàn thiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành kinh tế

Về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân: Triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất… để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Hoàn thiện trình HĐND tỉnh thông qua một số cơ chế, chính sách và ban hành một số đề án, kế hoạch phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phòng chống hiệu quả các dịch bệnh mùa hè. Tập trung triển khai để hoàn thiện các hạng mục đối với dự án Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ y tế, hệ thống phân phối bán lẻ dược phẩm và việc đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện công lập. 

Riêng công tác phòng, chống dịch vẫn được tăng cường, dù hiện tại tình hình dịch bệnh đã kiểm soát tốt nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn cao, Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu:

Bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên toàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 5 tuổi trở lên. Tiếp tục triển khai tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm còn lại ngay khi được Bộ Y tế cấp.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục truyền thông lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19, ngay cả khi đã mắc bệnh, hiểu rõ hơn về tác dụng không mong muốn, phản ứng sau tiêm,...

Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả các tình huống dịch bệnh theo kịch bản phòng, chống dịch; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết.

Đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch Covid-19 để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở công tác phòng, chống dịch. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong phòng, chống dịch.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bảo đảm công tác thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh, tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các tuyến.

Bảo vệ tất cả các nhóm người dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19 như: người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.

Chỉ đạo ngành y tế tiếp tục chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đôn đốc và hỗ trợ UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai tiêm chủng theo đúng tiến độ Trung ương yêu cầu, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đảm bảo đầy đủ thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch và khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Chỉ đạo các cơ quan, thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thành quả phòng, chống dịch; về lợi ích của tiêm vắc xin kể cả trường hợp đã nhiễm Covid-19, về tác dụng phòng ngừa của vắc xin với các biến chủng mới của Covid-19.

Đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển cho tỉnh đến năm 2025. Kiên quyết tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt các điểm nghẽn về đất đai, môi trường đầu tư, đầu tư công. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xử lý các tồn tại vướng mắc trong từng lĩnh vực, khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng, tài chính.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số chuyển đổi số.

Chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư đón đầu thời cơ mới mở ra sau đại dịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chú trọng mời gọi các nhà đầu tư từ các quốc gia là đối tác đầu tư của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng trong những năm qua, đặc biệt là các quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA).

Quỳnh Nga