HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua Đề án Hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và toàn xã hội về ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, nền tảng số; thông tin, dữ liệu số; ứng dụng công nghệ thông tin; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực số.
Qua đó, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, phục vụ tốt cho tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
Theo Đề án, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ít nhất 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay và 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần…
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 1.100 tỷ đồng. |
Để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã theo hướng kết hợp giữa mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây.
Việc kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đến các hệ thống mạng của các cơ quan trong tỉnh cũng sẽ được củng cố, bảo đảm băng thông phục vụ truyền nhận dữ liệu các các ứng dụng và hội nghị truyền hình trực tuyến.
Song song với đó là chuẩn hóa cấu trúc, hệ thống hóa mã định danh, thực hiện số hóa dữ liệu và cung cấp danh mục dữ liệu đã được số hóa theo quy định để tích hợp, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước.
Đề án cũng đặt mục tiêu hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ quản trị và hỗ trợ chuyển đổi số, triển khai chính quyền điện tử tại các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố. Bảo đảm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi số và tối thiểu 1 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.
Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét áp dụng các hình thức thuê hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin do doanh nghiệp cung cấp để có được dịch vụ chuyên nghiệp và công nghệ hiện đại luôn cập nhật, tiết giảm tối đa các chi phí phát sinh.
Được biết, tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 1.100 tỷ đồng.
Hà Lan