Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa ký văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phòng chống Covid-19, hoạt động của tổ Covid cộng đồng và tổ liên gia tự quản.

Theo đó, từ ngày 19/10 đến 7/11, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất hiện 5 ổ dịch, ghi nhận 22 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở các huyện, thành phố và nguy cơ lây lan ra các địa bàn khác là rất cao: huyện Sông Lô 6 ca, huyện Yên Lạc 11 ca, thành phố Phúc Yên 5 ca.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh, việc xuất hiện ổ dịch tại Vĩnh Phúc có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch của một số địa phương, đơn vị, nhất là công tác quản lý, giám sát người về từ vùng dịch không nghiêm.

Hoạt động của các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ liên gia tự quản có biểu hiện lơ là, mất cảnh giác, không sát địa bàn, không phát hiện được người đi về từ vùng dịch về địa phương, làm lây lan dịch bệnh.

Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện chưa nghiêm, để một số cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định trong phòng, chống dịch.

{keywords}
Vĩnh Phúc tăng cường chấn chỉnh công tác phòng chống dịch Covid-19.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện tự mãn, chủ quan, lơ là; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng ở 5 ổ dịch trên.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo và kiểm tra công tác phòng chống dịch ở tất cả các địa phương, đơn vị, nhất là các địa bàn dễ phát sinh dịch bệnh và các khu, cụm công nghiệp. Tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, không để phát sinh các ổ dịch mới trong cộng đồng, các khu công nghiệp. Đồng thời, xem xét khởi tố đối với một số trường hợp chấp hành không nghiêm túc các quy định phòng chống dịch gây hậu quả về dịch bệnh để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Đối với Sở Y tế, cần chủ động hướng dẫn về chuyên môn đối với các cơ sở y tế trong toàn tỉnh theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế về thành lập các trạm y tế di động ở các địa bàn dân cư khi có dịch, việc bố trí các tủ thuốc ở các cơ quan, đơn vị và phương án truyền thông, hướng dẫn để người dân tự lấy mẫu test nhanh, xét nghiệm.

Cùng với đó, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên và nhân dân, đảm bảo tiêm hết số vắc xin được phân bổ mỗi đợt. Chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi khi có vắc xin theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn.

Hà Lan