Việc khai trương điểm bán hàng nằm trong Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021. Mục tiêu của chương trình nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững, từ đó góp phần hỗ trợ các tiểu thương, nhà bán lẻ, siêu thị nâng cao doanh số bán hàng.
Là nơi quảng bá, tiêu thụ các mặt hàng đặc sản của địa phương, doanh nghiệp, điểm bán hàng Việt cố định chỉ cung cấp các sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo đánh giá của ngành công thương, điểm bán hàng Việt cố định đã khắc phục được những hạn chế trước đây. Đó là hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững, người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng tốt với hàng hóa gắn mác Việt trôi nổi trên thị trường… Do đó, điểm bán hàng Việt cố định sẽ là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm khách hàng để liên kết, hợp tác kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường.
Thời gian tới, Trung tâm Phát triển công thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thường xuyên các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi để hàng Việt thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Vĩnh Phúc triển khai điểm bán hàng Việt cố định |
Hiện nay, cửa hàng Ngọc Điệp Mart có hơn 1.000 mặt hàng các loại. Sau thời gian khai trương, điểm bán hàng đã thu hút nhiều người dân trong khu vực đến tham quan, mua sắm, tạo hiệu ứng tốt trong thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế do ảnh hưởng dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị thành viên thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế, tận dụng hiệu quả cam kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa, chủ động các giải pháp ứng phó, bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp. Giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt chất lượng, những cách làm hay, gương điển hình trong thực hiện cuộc vận động...
Bên cạnh đó, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ... tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể.
Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khảo sát việc đăng ký nhãn hàng Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất, hoạt động tạm nhập tái xuất; việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp bán lẻ về tỷ lệ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, tỷ trọng hàng Việt trong các trung tâm thương mại, chợ truyền thống. Đồng thời, tổ chức các chương trình tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Thu Hằng