Là cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng, khu vực và quốc gia.

Với việc xây dựng 3 hành lang kinh tế, 3 cực tăng trưởng và 1 trục động lực phát triển, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt từ 10,5-11%/năm và lọt top địa phương có GRDP bình quân đầu người dẫn đầu cả nước…

Để đạt mục tiêu này, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 5/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Vĩnh Phúc đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hạ tầng xanh, chất lượng tăng trưởng, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực,… qua đó, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở khoa học, kinh tế, tiêu chí để định hướng, huy động, thu hút các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, giai đoạn 2021 - 2030, Vĩnh Phúc dành khoảng 50.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông từ nguồn ngân sách. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã phân bổ gần 4.200 tỷ đồng cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông do cấp tỉnh quản lý.

Đặc biệt, ngoài nguồn vốn đầu tư của Trung ương, vốn đối ứng của địa phương, tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, PPP, BT, BTO…

W-vinhphuc.png
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, năm 2021 đã giao hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 99% tổng nguồn vốn giao; năm 2022 giao hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 98%; năm 2023 giao hơn 1.600 tỷ đồng, giải ngân đạt gần 100%; năm 2024, tỉnh bố trí gần 1.400 tỷ đồng cho 7 công trình thuộc lĩnh vực hạ tầng xã hội và 9 dự án lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông như: Đường hạ tầng giao thông kết nối vùng thủ đô trên địa bàn tỉnh; Dự án mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh; Dự án đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đoạn từ đường Hợp Thịnh - Đạo Tú đến ĐT.304 kéo dài…

Nhờ đó, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, trong đó, tuyến đường sắt cấp quốc gia chạy qua dài khoảng 35km, kết nối tỉnh với thủ đô Hà Nội và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đi Vân Nam, Trung Quốc; đường bộ có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và tuyến QL2, tuyến tránh QL2B, QL2C tổng chiều dài gần 160km; 17 tuyến đường nội tỉnh tổng chiều dài hơn 370km; 5 tuyến đường vành đai dài hơn 255km được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành phố mà còn hình thành liên kết vùng, tạo sức bật, động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Cùng với chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án giao thông đã được khởi công xây dựng, nhất là Dự án cầu vượt trên đường Nguyễn Tất Thành, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công một số dự án giao thông lớn, trọng điểm như: Dự án tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc; Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc với đường sắt Hà Nội - Lào Cai; Dự án đường Vành đai 4 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đoạn từ Quốc lộ 2 đi ĐT.305…

Đồng thời, tham mưu tỉnh trình Chính phủ, trình Quốc hội sớm thông qua nghị quyết thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư các dự án giao thông, tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc được phép đầu tư mở rộng một số tuyến quốc lộ trọng yếu qua địa bàn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có vai trò trung tâm trong phát triển của vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, xứng tầm trong khu vực và cả nước, bảo đảm tầm nhìn, định hướng phát triển đến năm 2050.

Minh Yến