- Vợ chồng tôi kết hôn 5 năm nhưng mãi chưa con chung. Khi đi khám các bác sĩ đều kết luận hai người bình thường, không vấn đề gì. Tuy nhiên, một lần vô tình, tôi phát hiện ra vợ mình lén dùng thuốc tránh thai. Tôi gặng hỏi thì biết được cô ấy không muốn có con, không muốn phải nuôi con vất vả.

Tôi vô cùng thất vọng đau khổ nên đã đề nghị ly dị. Vợ tôi không đồng ý bởi tôi vốn là kinh tế chính trong nhà, lương cô ta chỉ có 4 triệu đồng/tháng. Nếu ly dị sẽ không có trợ cấp.

Xin hỏi luật sư tôi là chồng, có đơn phương xin ly hôn được không? Thủ tục và thời gian tòa án giải quyết là bao lâu?

Hiện tại chúng tôi đang đứng tên chung một căn nhà 4 tầng ở mặt phố và 3000m2 nông trại dưới quê. Tôi có một sổ tiết kiệm trị giá 800 triệu đồng, nhưng lại để vợ đứng tên. Nếu ly dị vợ, tôi có được chia sổ tiết kiệm không đứng tên mình kia không? 

{keywords}
Vợ tôi không muốn sinh con vì sợ vất vả (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau: 

Thứ nhất: Về quyền yêu cầu ly hôn đơn phương.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình thì chỉ trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn. 

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng cuộc sống chung của vợ chồng bạn gặp nhiều mâu thuẫn trầm trọng do bất đồng quan điểm sống, bạn nhận thấy tình cảm vợ chồng dành cho nhau không còn, đời sống hôn nhân không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được và vợ chồng bạn cũng không thuộc trường hợp hạn chế ly hôn theo quy định nêu trên. Bởi vậy, bạn hoàn toàn có quyền nộp đơn đển Tòa án để tiến hành thủ tục ly hôn.

Thứ hai: về thủ tục và thời gian giải quyết tại Tòa án.

Căn cứ Điều 189 Bộ luật dân sự, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ cơ bản như sau: Đơn khởi kiện về việc ly hôn, Chứng minh nhân dân của hai vợ chồng, sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, các tài liệu thể hiện tài sản chung, nghĩa vụ chung. Việc nộp hồ sơ xin ly hôn được thực hiện qua phương thức nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Tòa án cấp quận, huyện nơi vợ chồng bạn hiện đang cư trú.

Đối với thời hạn giải quyết, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án. Dẫu vậy, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng.

Thứ ba: về vấn đề chia tài sản trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc.

Theo thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn đang đứng tên chung một căn nhà 4 tầng ở mặt phố và 3000m2 nông trại dưới quê và có một sổ tiết kiệm trị giá 800 triệu đồng, nhưng lại để vợ đứng tên. Nếu các tài sản này là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, việc tạo dựng khối tài sản đều có sự chung tay, góp sức của cả hai vợ chồng thì theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình, về nguyên tắc tài sản sẽ được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như khác như: hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;  công sức đóng gói, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lưu ý rằng, ngoài việc giải quyết về tài sản chung, Tòa án cũng có thể xem xét đến các khoản nợ chung của vợ chồng. Vì vậy bạn cần xem xét và đưa ra chứng cứ đối với các khoản nợ chung để tòa án giải quyết nếu thấy cần thiết

Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis; SĐT 0986663459; email luatthemis@gmail.com.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc