Em làm việc theo hợp đồng lao động 3 năm với công ty A. Sau 6 tháng thì em nghỉ ngang không báo trước. Sau đó em đi làm ở công mới là công ty B được 3 năm rồi, hàng tháng trừ lương đóng BHXH đầy đủ và có thẻ BHYT khám bệnh bình thường.

Tuy nhiên, hiện tại em sắp sinh con, khi hỏi bên phòng nhân sự thì họ bảo do chưa có sổ bảo hiểm ở đây nên chưa chốt sổ làm thủ tục hưởng chế độ thai sản được, phải về công ty cũ xin lại sổ. Em về cty A xin lại sổ thì họ không trả, đòi bòi thường hợp đồng rồi mới trả sổ. Vậy giờ em muốn hưởng chế độ thai sản mà không cần sổ bảo hiểm được không? Thủ tục như thế nào?

{keywords}
Ảnh minh hoạ

Luật sư tư vấn 

Theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện được hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Như vậy căn cứ theo quy định trên, để được hưởng chế độ thai sản bạn cần đóng đủ 06 tháng BHXH trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Khi chuyển qua công ty mới bạn đã đóng bảo hiểm được 3 năm và nếu liên tục đóng bảo hiểm đến thời điểm sinh con thì bạn có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai. Thông tin bạn nêu không rõ là khi chuyển sang công ty mới bạn có báo số sổ bảo hiểm để đóng tiếp nối hay không, nếu bạn đã báo số số BHXH thì cần quay lại công ty ban đầu để lấy lại sổ BHXH bởi sổ BHXH là giấy tờ cần thiết để giải quyết các chế độ BHXH của bạn sau này. Pháp luật quy định một người lao động không thể có 2 quyển sổ bảo hiểm trở lên, do vậy, khi bạn đã có quyển sổ bảo hiểm vẫn đang được giữ tại công ty cũ thì không thể tiến hành làm lại sổ bảo hiểm mới. Do đó, bạn cần phải quay lại công ty cũ để lấy lại sổ và nhờ công ty chốt sổ để tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở công ty khác.

Về thủ tục hưởng chế độ thai sản như sau:

Theo quy định tại Điều 101, 102 thì Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con cho người sử dụng lao động.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Tung tin đồn thất thiệt cho doanh nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh

Tung tin đồn thất thiệt cho doanh nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh

Công ty tôi gặp phải tình trạng bị một vài cá nhân tung tin đồn thất thiệt, nói xấu khiến khách hàng lo sợ, không dám trải nghiệm sản phẩm.