Đây là nhận định được HoREA đưa ra tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ ban ngành về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2019/NĐ-CP “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”, có hiệu lực từ ngày 05/01/2020 (thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014). Đánh giá về Nghị định 91, Hiệp hội cho rằng, bên cạnh các hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, còn quy định 17 biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm; buộc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; hoàn thành việc đầu tư xây dựng; buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản...

{keywords}
Theo HoREA, mức phạt tiền tối đa chỉ đến 1 tỷ đồng, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi chuyển nhượng đất nền trái phép hoặc chậm làm thủ tục để cấp “sổ đỏ” cho khách hàng.

Theo HoREA, các quy định của Nghị định 91 vừa xử lý khá nghiêm khắc các vi phạm để góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực đất đai, vừa có lý có tình, vừa thống nhất với Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản…

Tuy nhiên, đơn vị này cũng thẳng thắn cho rằng, mức phạt tiền tối đa chỉ đến 1 tỷ đồng, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi chuyển nhượng đất nền trái phép hoặc chậm làm thủ tục để cấp “sổ đỏ” cho khách hàng và cần các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Trên thực tế, thời gian qua thị trường bất động sản đã chứng kiến những cơn sốt đất nền tại nhiều tỉnh thành. Lợi dụng cơn sốt, nhiều doanh nghiệp thi nhau gom đất lập dự án phân lô bán nền thậm chí vẽ ra hàng loạt dự án “ma” chiếm đoạt hàng nghìn tỷ của khách hàng.

Một trong những trường hợp điển hình phải kể đến vụ án tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba. Chỉ trong vòng 3 năm, Alibaba đã triển khai tới khoảng 40 dự án tại nhiều tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận. Những dự án này đều là đất nông nghiệp do các cá nhân đứng tên hoặc đã được quy hoạch là đất công viên, giao thông và thậm chí là đất nghĩa trang...

Sau đó, Alibaba tự ý vẽ lên các dự án hoành tráng, phân lô để bán cho khách hàng. Mô hình hoạt động của Alibaba là không sở hữu đất mà chỉ hợp tác phát triển dự án với các cá nhân có quyền sử dụng đất. Công ty này định giá các sản phẩm với giá rẻ hơn 20-30% so với giá thị trường, đồng thời cam kết mua lại với lãi suất hấp dẫn.

Khi Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba, bị Cơ quan CSDT khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm khách hàng hoang mang vì nguy cơ mất trắng tiền bạc đã đầu tư, rơi vào đường cùng đã tìm đến cơ quan công an tố cáo, khi biết bị lừa ký hợp đồng giao dịch đất nền tại các dự án “ma”. Con số điều tra ban đầu cho thấy, Công ty Alibaba đã thu hơn 2.500 tỷ đồng từ việc ký kết hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng.

Chiêu thức vẽ dự án “ma” kiểu Alibaba cũng được nhiều đơn vị thực hiện và bị khởi tố trong thời gian qua như vụ việc tại Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina, Công ty TNHH tư vấn đầu tư BĐS Hoàng Kim Land (Hoàng Kim Land)…

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), một trong những luật sư đang bảo vệ quyền lợi cho khách hàng tại các dự án của Alibaba cho biết khách hàng của Alibaba chia làm 2 dạng: Một dạng là khách vãng lai, vì tin vào cam kết lợi nhuận khủng từ Alibaba nên bỏ qua độ tin cậy về pháp lý. Một dạng khác là người quen, bạn bè, cô, dì, chú bác, thậm chí là cả anh chị em ruột… của các môi giới làm việc cho Alibaba. Họ một phần vì tín nhiệm người quen, một phần vì ham lợi nhuận cao nên sẵn sàng bỏ tiền mua đất nhưng đứng tên đồng sở hữu cùng sale để có mức lợi nhuận lớn hơn.

Cũng theo ông Cường, để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên cho thấy luật pháp vẫn còn nhiều kẽ hở, trong đó trách nhiệm của các cơ quan Quản lý tại những khu vực Alibaba dựng trụ sở và đặt bánh vẽ dự án cũng cần phải xem xét rõ ràng.

“Vụ việc trên cho thấy pháp luật về kinh doanh bất động sản còn nhiều khe hở để các cá nhân/tổ chức lợi dụng để trục lợi cho cá nhân. Do đó tôi nghĩ chính quyền, Nhà nước cần xem xét điều chỉnh quy định về việc huy động vốn đối với các bất động sản hình thành trong tương lai, đồng thời cũng cần xem xét trách nhiệm quản lý Nhà nước của 1 số cơ quan, tỉnh thành trong việc để Alibaba ‘tung hoành’ trong một thời gian rất dài mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, dẫn đến hậu quả to lớn cho xã hội hiện nay", Luật sư Cường nhấn mạnh.

Hồng Khanh

Hé lộ hướng đi của dòng tiền đổ vào bất động sản năm 2020

Hé lộ hướng đi của dòng tiền đổ vào bất động sản năm 2020

- Năm 2020, trước những dự báo khác nhau về triển vọng của thị trường thông tin về nguồn vốn, dòng tiền cho bất động sản theo hướng nào được quan tâm nhất là khi có chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng cho lĩnh vực này.