Văn hóa, gieo trồng (cultura, culture) là như thế. Văn hóa đâu từ “lỗ nẻ” chui lên hay từ bằng cấp tự kiêu chỉ chăm chăm “hơn người”!
Một buổi sáng như mọi ngày, người đàn ông lớn tuổi chạy xe gắn máy lên cầu Kênh Tẻ, một cây cầu mà từ hai năm qua, xe hơi đã “tự do” chạy vào làn xe hai bánh, không chỉ đơn giản lấn làn ở dưới cầu, mà còn chạy hàng đôi trên cầu, đến nỗi có những chủ xe hai bánh phải leo lên lan can cầu để được yên thân. Do lẽ, những người lái xe bốn bánh đó, không chỉ “tự do” lấn tuyến xe hai bánh mà còn tự cho mình cái quyền bóp kèn buộc xe chạy phía trước dạt ra tránh chỗ cho mình thoải mái lái!
Sáng sớm hôm nay, người đàn ông bị một xe bảy chỗ to đùng như xe tăng chạy phía sau bóp kèn dẹp đường miết, cứ thế anh ta leo lên đến giữa cầu, dạt mọi xe hai bánh vào lề cho anh ta qua mặt. Mấy chị phụ nữ chạy xe hai bánh khác cũng bị bóp kèn ép nhường đường như thế. Người đàn ông vẫn đi trên làn đường của mình, lấy tay trái trỏ qua làn xe hơi, ra hiệu hãy về làn đó mà chạy cho đúng luật, nhưng tay lái xe vẫn ép tất cả vào lề. Chủ xe, ngồi phía sau, lấy tay giật cổ áo tài xế, có lẽ đang nhắc “thôi bỏ đi” vì thấy chướng!
Người đàn ông chợt nhớ hai tuần trước, vợ chồng ông lên xe ở “ga Lyon đèn vàng”, lúc đang khệ nệ vác hai cái va li lên tầng trên của xe lửa thì được một người đàn ông bản xứ trạc tuổi ba mươi, phụ vác cái va li thứ nhì “lên lầu” giùm. Vác xong, anh ta còn hỏi: “Ông xuống ga nào?”. Khi nghe trả lời cùng xuống ga Marseille, anh ta nói: “Ông yên chí. Chừng tới nơi, tôi sẽ phụ ông”. Ba tiếng rưỡi sau, tàu dừng bánh, vợ chồng ông từ cuối toa lò dò ra đầu toa đã thấy hai cái va li to đùng của mình yên vị ở “tầng dưới”, ngay ngắn sát một bên vách toa, ngay cửa ra. Người đàn ông “Samaritain” (1) cùng cậu con trai năm sáu tuổi, đã xuống tàu từ lúc nào, không đợi cám ơn!
Ảnh minh họa |
Người vợ nhớ lại cảnh lúc người đàn ông bản xứ vác va li giùm vợ chồng bà, cậu con trai nhìn cha mình bằng một cặp mắt khuyến khích! Khi cậu bé con tròn xoe đôi mắt chiêm ngưỡng cha mình giúp người cao tuổi, thì đó cũng chính là lúc cậu bé được người cha gieo trồng “hạt giống” con người. Chắc chắn, từ “hạt giống” đó sẽ đâm hoa kết trái con người.
Văn hóa, gieo trồng (cultura, culture) là như thế. Văn hóa đâu từ “lỗ nẻ” chui lên hay từ bằng cấp tự kiêu chỉ chăm chăm “hơn người”! Chính cái “hạt giống” con người đó đã rèn thành bản năng thắng đứng bánh ở ngã tư, nhường đường cho người đi bộ qua đường, cho xe khác đang ở vị trí ưu tiên, thậm chí thắng đứng bánh ở ngã tư ngay cả giữa đêm khuya, ngó phải, ngó trái rồi mới chạy tiếp, chớ không bóp kèn từ xa để tha hồ chạy hết ga qua ngã tư như ở nơi khác...!
Có gieo cái “hạt giống” con người đó, mới mong có được những con người biết cư xử trong nhường nhịn, trong tự xử, chớ không tranh hơn cho bằng được rồi vỗ ngực tự khen “chúng tôi có văn hóa” như “dân Pharisiêu” đạo đức giả!
Vẫn còn ám ảnh vì cảnh “người ép người” sáng hôm ấy, vài ngày sau, một buổi trưa nắng, nhà xa không dám chạy xe về, người đàn ông ghé vào một rạp chiếu bóng tư nhân trong một siêu thị ở Gò Vấp, không phải để coi phim, mà để ngủ trưa. Vãn tuồng, đang lò dò bước xuống các bậc thang, chân cà nhắc từ khi bị đứt dây chằng Achilles, bỗng thấy cô soát vé đang đứng chào khách ở cửa ra, hộc tốc tiến về phía mình, tưởng cô vội vàng chạy đi làm gì đó, bỗng thấy cô ta giơ tay đỡ xuống các bậc thang!
Gặp lại một con người, hạnh phúc thay! Ít nhất cũng hâm lại niềm tin rằng xã hội chúng ta vẫn còn đó, vẫn còn được tiếp nối, nếu không bằng sự giáo dục của nhà trường, thì cũng bằng sự đào tạo nghề nghiệp của những công ty “như thế”! Chẳng cần treo biểu ngữ này, khẩu hiệu kia. Mà treo làm chi những diệu vợi trên trời, dưới biển! Pascal đã chẳng dạy “muốn làm thiên thần, lại hóa thành con vật” hay sao? Hãy cứ làm người đi đã!
Danh Đức/ theo TBKTSG
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt
----
(1) Trong Kinh Thánh, có ngụ ngôn về một người gặp nạn giữa đường, chẳng ai đồng bào cứu giúp, trừ một người dân “ngoại” Samaritain ra tay...